NTNN đã phỏng vấn ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).
- Mấy ngày qua, đã xuất hiện tình trạng người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng phải đổ sữa nguyên liệu, vì không được đơn vị thu mua tiếp nhận. Phía Cục Chăn nuôi đã nhận được thông tin này chưa và đã có giải pháp gì để chỉ đạo?
- Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tiếp nhận và có ý kiến chỉ đạo đối với Sở NN&PTNT các địa phương là Hà Nội và Lâm Đồng tăng cường công tác quản lý về kỹ thuật. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành soạn thảo công văn chính thức để gửi cho các địa phương yêu cầu giám sát, theo dõi sự việc này.
Thực ra, về mặt chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo về những vấn đề kỹ thuật, còn việc mua, bán như thế nào là do hợp đồng giữa các đơn vị thu mua, cụ thể ở đây là Công ty CP Sữa Đà Lạt (Dalat Milk) với nông dân, nên về vấn đề này chúng tôi không thể can thiệp được.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). |
- Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc người Việt Nam còn đang thiếu sữa uống hoặc phải mua với giá cao, thì sữa nguyên liệu phải đổ bỏ. Phải chăng ở đây có nguyên nhân về mặt quản lý đối với ngành sữa?
- Việc một số đơn vị thu mua phải quy định định mức thu mua sữa như vừa qua có một số nguyên nhân chính. Hiện miền Bắc nước ta đang ở trong mùa đông, nhu cầu uống sữa nước, sữa tươi ít đi, trong khi đó các sản phẩm chế biến từ sữa tươi của mình hiện nay hầu hết chỉ là sữa chua và sữa tươi, chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến được từ sữa tươi thành sữa bột, bởi để làm được việc này cần đầu tư dây chuyền lên tới hàng tỷ USD.
Mặt khác, bò sữa là vật nuôi ưa khí hậu nhiệt đới, nên về mùa đông không cần làm mát, dẫn tới năng suất bò sữa tăng lên rất cao, trung bình mỗi ngày cho sữa 28-30 kg/con, thậm chí có con còn đạt 40kg/ngày, vì thế định mức thu mua 16kg/ngày (của Dalat Milk-PV) là quá thấp.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy ở đây có một phần lỗi là do bà con nông dân do thấy người này nuôi được bò sữa, nên người kia cũng nuôi theo trong khi họ chưa tìm được nơi thu mua chắc chắn. Điều đó dẫn tới việc có những hộ không ký được hợp đồng đã gửi sữa cho những hộ đã có hợp đồng để bán sữa, nên khi biết được việc này thì đơn vị thu mua rất bức xúc.
Một nguyên nhân khác là do, giá dầu của thế giới giảm dẫn đến giá sữa trên thế giới tụt 60-70%, nên một số doanh nghiệp trong nước đã nhập sữa bột về để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên, cũng gây lên tình trạng dư cung một phần.
- Trong trường hợp, thời gian tới đây việc đổ sữa còn tiếp diễn, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT sẽ xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nông dân ở Lâm Đồng đổ bỏ sữa ra đường vì không bán được cho công ty chế biến sữa. |
- Khi đó, chắc chắn chúng tôi sẽ phải vào cuộc, bởi thực tế việc đổ sữa vừa qua dù với lượng ít, nhưng đúng là rất phản cảm. Cụ thể, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị thu mua phải có cam kết rõ ràng để chính quyền đứng ra liên kết chặt chẽ hơn với người chăn nuôi. Còn về phía bà con nông dân, cần tuân thủ đúng các điều khoản về hợp đồng, không nên lúc thị trường tốt thì bán sữa cho ông này, ông kia, còn lúc không bán được sữa lại đòi hỏi với đơn vị đã ký hợp đồng từ trước.
Tôi cũng cho rằng, vẫn phải làm sao có tiếng nói của quản lý nhà nước để đảm bảo thu mua sữa cho bà con, còn các tổ hợp tác trong chăn nuôi bò sữa phải có hình thức chế biến, có thể tự đầu tư các dây chuyền chế biến nhỏ làm pho mát hoặc có dây chuyền đun sôi sữa (ở 80 độ C) để bán ngay tại chỗ. Còn về lâu dài, phải có dây chuyền chuyển sữa tươi thành sữa bột.
- Với những khó khăn về chế biến sữa như ông nói, nếu phát triển đàn bò sữa lên nữa, thì việc tiêu thụ sữa sẽ được giải quyết ra sao?
- Chăn nuôi bò sữa không phải là nghề truyền thống của nước ta và là nghề chăn nuôi của người giàu, vì người chăn nuôi phải đầu tư rất lớn vào công nghệ cao, biết liên kết sản xuất. Như nước ta, hiện sản lượng sữa tự sản xuất trong nước mới đáp ứng được 28% nên còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Tuy nhiên, để ngành sữa phát triển được, chúng ta cần phải quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng dành một diện tích để chăn nuôi bò và vùng nguyên liệu. Đặc biệt, trong khâu quản lý thị trường, phải làm rõ và minh bạch giữa sữa tươi và sữa nước hoàn nguyên, để người tiêu dùng khi bỏ tiền ra phải được uống sữa tươi thực sự, chứ không phải trong sữa tươi lại bị pha chế 40-50% sữa hoàn nguyên.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến thời điểm này đàn bò sữa cả nước đang có khoảng 227.000 con và 70% trong số đó là của các hộ dân. Doanh nghiệp có đàn bò sữa lớn nhất hiện nay là Tập đoàn TH với gần 40.000 con, công ty CP Sữa Mộc Châu 17.000 con (cả tập trung và vệ tinh), Vinamilk 13.000 con.