Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát thông báo giảm mạnh giá bán từ ngày 1/7. Theo đó, mỗi tấn thép cuộn CB240 giảm 310.000 đồng xuống mức 16,29-16,39 triệu đồng, thép D10 CB300 giảm 300.000 đồng về mức 16,55-16,8 triệu đồng.
Cùng ngày, thương hiệu thép Việt Đức cũng thông báo mức giảm tương đương. Hiện giá thép cuộn CB240 của hãng này là 16,34-16,7 triệu đồng/tấn, trong khi thép D10 CB300 có giá 16,68-17 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý, Kyoei, Tungho đồng thời giảm mạnh giá bán tương tự. Như vậy, so với mức giá đã giảm hồi đầu tháng 6, mỗi tấn thép nay giảm thêm từ 0,5-1 triệu đồng.
Nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm trong tháng qua là do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm trên thị trường thế giới, nhất là tại Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, giá thép giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải tiếp tục giảm 49 NDT xuống mức 5.118 NDT/tấn.
Mỗi tấn thép vừa giảm thêm từ 0,5-1 triệu đồng so với mức đã giảm cách đây một tháng. Ảnh: Reuters. |
Theo nhận định của nhà kinh tế học Howie Lee từ Tập đoàn Ngân hàng OCBC (Singapore), giá quặng sắt có thể giảm xuống trong 6 tháng tới khi Trung Quốc đẩy mạnh can thiệp thị trường.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mức giá có thể tăng vọt lên đến 250 USD/tấn nếu các hãng giao dịch và nhà sản xuất thép tại Trung Quốc thúc đẩy thu mua trong bối cảnh tồn trữ quặng sắt tại nước này đang có xu hướng giảm mạnh.
Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép SteelHome (Trung Quốc) cho thấy lượng quặng sắt nhập khẩu tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc giảm tuần thứ 4 liên tiếp, xuống chỉ còn 123,95 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Trong khi đó, nguồn cung từ Australia và Brazil cũng suy giảm do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và các sự cố trong hoạt động khai thác.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dù thị trường đang có xu hướng giảm giá từ cuối tháng 5, nhưng vẫn còn "dùng dằng và chưa có chiều hướng tăng giảm rõ rệt".
Trong công văn mới đây gửi các doanh nghiệp thành viên, VSA khuyến nghị các đơn vị tăng cường hợp tác, ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng cho rằng cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường nhằm phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ, song song với việc duy trì các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, các cơ quan quản lý nên sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam.
Báo cáo thị trường 5 tháng đầu năm của VSA cho thấy sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sức tiêu thụ cũng tăng 38,2%, đạt hơn 11,9 triệu tấn, trong đó xuất khẩu thép các loại tăng đến 80%, đạt gần 2,8 triệu tấn.
Riêng tháng 5, sản lượng thép đạt hơn 2,9 triệu tấn, tăng 3,53% so với tháng trước đó và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù sức tiêu thụ thép nhìn chung chỉ tăng 30,8% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng xuất khẩu tăng đến 2,4 lần.