Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá thép tăng phi mã khiến CPI tháng 5 đi lên

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng là một trong những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước.

Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

“Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng”, cơ quan thống kê lý giải.

So với tháng trước, có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Đối với riêng nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm này tăng do giá thép, cát, xi măng tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93%. Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở cũng tăng 0,45% do nhu cầu sửa chữa nhà tại một số địa phương tăng.

Bên cạnh đó, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu sử dụng cao.


Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021
So với tháng trước -0,53 0,55 0,49 -0,03 0,16
So với cùng kỳ năm trước 3,19 3,86 2,88 2,40 2,90
So với tháng 12/2020 0,37 1,61 1,50 -1,24 1,43
Bình quân so với cùng kỳ năm trước 4,47 3,01 2,74 4,39 1,29

Tốc độ tăng CPI tháng 5 từ năm 2017 đến năm 2021. Đơn vị tính: phần trăm.

Ở chiều ngược lại, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có mức giảm so với tháng trước nhiều nhất với 0,23%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%).

“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng”, Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 5 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

Bài liên quan

Gia xang khong doi hinh anh

Giá xăng không đổi

0

Ở kỳ điều hành giá ngày 27/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giữ nguyên giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, chỉ điều chỉnh mức chi sử dụng quỹ bình ổn.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm