Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá thép giảm tiếp hơn 1,6 triệu đồng/tấn

Giá thép trong nước tiếp tục giảm sâu tới hơn 1,6 triệu đồng/tấn. Lũy kế hơn 2 tháng qua, giá mặt hàng này đã giảm 12 lần, khoảng 3,7-4,1 triệu đồng/tấn.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh giá bán mặt hàng này. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Kyoei, Việt Ý, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Riêng lần điều chỉnh này, thép Thái Nguyên và thép Việt Nhật là hai thương hiệu có mức giảm mạnh nhất. Thép Thái Nguyên giảm 1,06-1,68 triệu đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300 về mức tương ứng 15,38 triệu đồng/tấn và 15,17 triệu đồng/tấn.

Còn thép Việt Nhật giảm 650.000 đồng/tấn với thép CB240 và 400.000 đồng/tấn thép D10 CB300. Giá bán 2 mặt hàng này lần lượt còn 14,95 triệu/tấn và 15,66 triệu đồng/tấn.

Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm ở mức 200.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện còn 15,05 triệu đồng/tấn và 15,81 triệu/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống 15,18 triệu đồng/tấn và 16,04 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên ở mức tương tự xuống còn 15,28 triệu/tấn và 15,94 triệu đồng/tấn.

GIÁ THÉP HÒA PHÁT MIỀN BẮC TRONG 12 LẦN GIẢM LIÊN TIẾP
Số liệu: SteelOnline
Nhãn 11/5 17/5 31/5 1/6 6/6 19/6 27/6 9/7 17/7 22/7 27/7 2/8
D10 CB300 triệu đồng/tấn 19.04 18.74 18.28 17.81 17.51 17 16.8 16.6 16.5 16.39 16.24 16.04
CB240
18.63 17.83 17.46 17.25 16.95 16.65 16.5 16.24 15.99 15.69 15.38 15.18

Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 12 liên tiếp kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm khoảng hơn 4 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Với đợt giảm kéo dài này, mặt bằng giá thép cuộn CB240 hiện dao động 14,9-15,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 15,1-16 triệu đồng/tấn.

Trong báo cáo tài chính vừa công bố của Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp này cho biết giá thép toàn cầu đã trải qua nhiều nhịp điều chỉnh giảm từ giữa quý II. Lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này bị thu hẹp.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung. Giá bán giảm trong khi giá vốn cao dẫn đến việc Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 575 tỷ đồng và khiến biên lãi gộp suy giảm.

Nhận định về triển vọng cuối năm, lãnh đạo Hòa Phát cho biết giá nguyên vật liệu đang giảm rất nhanh, nhất là giá than quay đầu giảm 64% so với đỉnh, hay giá quặng sắt giảm xuống chỉ còn dưới 100 USD/tấn.

"Về nhu cầu thị trường, việc Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách Zero Covid và ngành xây dựng vào mùa cao điểm từ tháng 9 là những yếu tố khả quan làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trên thế giới cao trở lại. Cầu thép trong nước thông thường cũng tăng vào quý cuối năm do yếu tố mùa vụ", lãnh đạo Hòa Phát đánh giá.

Trong báo cáo tình hình thị trường thép 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng thừa nhận thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào.

Trong tháng 6, giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động lớn, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi cuối quý II đã giảm 40-50% so với hồi quý trước. Do chịu sự tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với việc giảm doanh thu và lợi nhuận.

Hơn 2 tháng, giá thép giảm 11 lần liên tiếp

Từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép trong nước có tới 11 lần giảm liên tiếp. Lũy kế hơn 2 tháng qua, giá mặt hàng này đã giảm khoảng 3,5-3,9 triệu đồng/tấn.

Hòa Phát lỗ tỷ giá hơn 1.270 tỷ đồng

Giá thành sản xuất và chi phí hoạt động tăng cao bởi yếu tố thị trường đã khiến lợi nhuận của ông trùm ngành thép lao dốc gần 60% trong quý vừa qua.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm