Gia tăng ẩn họa từ những mảnh vỡ trong không gian
Vào cuối tháng 6 năm nay, 6 phi hành gia sống trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nhận được cảnh báo có một mảnh vỡ phi thuyền đang di chuyển với tốc độ khoảng 47.000 km/giờ có khả năng sẽ đâm vào ISS.
>>Vệ tinh mất kiểm soát của NASA rơi xuống trái đất
>>Những mối nguy từ vệ tinh nhân tạo hết 'đát'
>>NASA 'bỏ bom' mặt trăng
Theo các chuyên gia của NASA tính toán, xác suất ISS bị mảnh vỡ vô định trên đâm vào là 1/360.
Thực tại đáng báo động
Thông thường, ISS có thể cơ động tránh các mảnh vỡ vô định trong không gian nếu được thông báo trước một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, lần xuất hiện mảnh vỡ vô định này chỉ được báo trước 15 tiếng, khiến các nhà du hành không thể điều khiển trạm vũ trụ ra khỏi quỹ đạo bay của nó. Các phi hành gia buộc phải di chuyển sang tàu vũ trụ Soyuz để phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai các chuyên gia trên ISS buộc phải sơ tán trong suốt lịch sử 13 năm hoạt động của ISS.
May mắn thay, khi mảnh vỡ đó bay qua, nó chỉ cách trạm vũ trụ 33 cm. Vụ việc đã khiến các chuyên gia nghiên cứu không gian đau đầu, bởi có khoảng hơn 22.000 mảnh vỡ có kích thước trêm 10cm hoặc xấp xỉ một quả bóng chày đang trực tiếp đe dọa các vệ tinh dân sự, quân sự và thương mại đang hoạt động trong không gian. Chúng hầu hết là vệ tinh hết đát, tàu vũ trụ bị hư hại, những tấm pin hỏng, động cơ tên lửa đẩy và những thiết bị nghiên cứu mất liên lạc khác. Tuy nhiên, có khoảng 300.000 mảnh vỡ có kích thước nhỏ, lớn hơn 1cm nhưng nhỏ hơn 10cm và 135 triệu mảnh vỡ bé hơn 1cm cũng đang lơ lửng bay trong vũ trụ. Dù kích thước nhỏ nhưng tốc độ bay vô cùng lớn khiến chúng có khả năng phá hủy những gì chúng va phải trong không gian.
Sông Nile và biển Đỏ nhìn từ tàu con thoi Columbia. |
Không chỉ là mối nguy với những vệ tinh đang hoạt động trong vũ trụ, những thiết bị hết hạn sử dụng còn có thể đe dọa trực tiếp cuộc sống của người dân trên trái đất khi chúng bị mất quỹ đạo và lao thẳng "về nhà". Mới đây nhất, vệ tinh nghiên cứu tầng thượng quyển (UARS) của NASA nặng hơn 6 tấn đã lao thẳng xuống Trái đất, khiến người dân ở nhiều quốc gia lo lắng. Tuy nhiên, những mảnh vỡ của nó đã lao xuống một địa điểm không xác định trên biển Thái Bình Dương, nên chưa có báo cáo về con số thiệt hại.
Mối nguy ngày càng hiện hữu
Phải mất 40 năm con người mới tạo ra được 10.000 vệ tinh nhân tạo đầu tiên, nhưng chưa đầy một thập niên tiếp theo, người ta đã phóng 12.000 vệ tinh với đủ mọi kích cỡ khác lên vũ trụ. Sự gia tăng đột biến đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ va chạm giữa các thiết bị nhân tạo con người phóng lên vũ trụ, trong đó 60% là vệ tinh của NASA.
Ngoài ra, vụ phá hủy vệ tinh thời tiết bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc năm 2007, cũng như vụ va chạm bất ngờ của hai vệ tinh Nga năm 2009 đã làm tăng đáng kể số mảnh vỡ bay vô định trong không gian.
Nhận thức được mối nguy từ những mảnh vỡ đó, Mỹ đã lập ra Trung tâm Chiến dịch không gian chung (JSpOC), bao gồm một mạng lưới 29 rađa mặt đất và các cảm biến quang học để theo dõi, giám sát những mảnh vỡ có kích thước lớn hơn 10cm bay trong không gian. Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ quân đội và tình báo Mỹ, JSpOC còn gửi đến các đơn vị khai thác vệ tinh khả năng va chạm của mảnh vỡ để họ chủ động điều khiển vệ tinh mình tránh khỏi quỹ đạo. Năm ngoái, 126 lần các đơn vị khai thác đã phải điều chỉnh vệ tinh để tránh va chạm sau khi nhận được báo cáo của JspOC. Theo các quan chức Mỹ, họ cũng đã gửi cảnh báo đến chính phủ Trung Quốc khi vệ tinh của họ bị đe dọa bởi những mảnh vỡ tạo ra từ cuộc thử nghiệm chống vệ tinh năm 2007 do chính Bắc Kinh tiến hành.
Mảnh vỡ không gian đã thực sự trở thành vấn đề nan giải toàn cầu, khi 11 quốc gia có khả năng phóng vệ tinh và hơn 60 quốc gia và các tập đoàn khác đang sở hữu vệ tinh trên không gian. Theo điều II của Hiệp ước không gian kí kết năm 1967, “Không gian vũ trụ bao gồm cả mặt trăng và các hành tinh khác không thuộc chủ quyền của bất kể quốc gia nào”. Điều này đồng nghĩa với tình trạng “cha chung không ai khóc” đang diễn ra bên trên tầng khí quyển trái đất.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam