Sau nhiều năm miệt mài sửa chữa, sáng tạo, làm sống lại những đồ bỏ đi, ông Thơm đã có một gia tài khổng lồ với nhiều sản phẩm độc đáo. Cây đàn xếp của ông được trả giá 2.000 USD.
|
Ngôi nhà hai tầng thuê trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM của ông Tống Văn Thơm chất đầy các loại đồ tái chế, còn bằng khen, kỷ niệm chương được treo, dựng khắp nơi. Đó là công sức và thành quả của 22 năm của ông - người được mệnh danh “chuyên gia tái sinh rác thải”.
Ông Thơm cho biết, năm 1998, khi thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh sạch đẹp”, ông nảy ra ý tưởng thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp để đem về tái chế. Đồng thời, ông muốn xây dựng ý thức bảo vệ môi trường bằng việc làm sống lại những đồ phế thải, đặc biệt là các thiết bị điện tử. |
|
Sau buổi sáng làm việc tại nghiệp đoàn rác TP.HCM và nửa buổi chiều đi làm rác, khoảng 15h ông về tới nhà. Ông Thơm lại lao vào sửa chữa, tái chế và sáng tạo rất nhiều sản phẩm độc đáo do ông lượm và phân loại rác. Sau hơn 22 năm, giờ ông có một gia tài hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, mà ông ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng. |
|
Hoàn cảnh gia đình éo le, ông may mắn được cho đi học nghề điện tử, cơ khí. Năm 20 tuổi, ông làm quản lý cho một xưởng sửa chữa điện tử. Vì thế, trong gia tài rác của ông Thơm có rất nhiều món đồ biết “hát” như máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, TV, âm ly, máy chiếu... đều được ông "tái sinh" từ rác. Ngoài ra, hàng xóm có đồ điện tử hư hỏng có thể đem qua cho ông sửa với giá rẻ.
|
|
"Tôi tâm đắc nhất là những đồ thiết bị điện tử được sản xuất khoảng 40 năm trước, người ta vứt đi, tôi đem về làm "sống" lại. Chúng có những giá trị rất riêng mà đồ sản xuất thời nay khó có được, ví như những chiếc đài của Nhật sản xuất bị hư, tôi có thể thay bằng đĩa nén nên có thể hát được bình thường", ông Thơm chia sẻ. |
|
Trong hơn 2.000 món đồ tài chế của ông Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm các loại có giá trị lớn, được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông chưa bán hoặc không muốn bán. Sản phẩm mà ông Thơm gìn giữ và yêu quý nhất là chiếc đàn xếp, ông cho biết còn cưng nó hơn cả con. "Một Việt kiều Pháp muốn mua với giá 2.000 USD nhưng ông không bán", ông bảo vậy.
|
|
"Chiếc đàn organ cũ, đời đầu tiên hơn 30 năm, hiện giá của nó khi biết "hát" là 20-30 triệu", ông Thơm nói và cho hay, khi ông mang chiếc đàn này về thì nó bị hỏng nặng, chỉ còn bộ ruột. Sau khi mày mò sửa chữa, thêm vài phụ kiện, giá đỡ từ hộp nhựa, băng phim, lon nước yến… nó đã có thể chơi được nhạc. Chiếc đàn hiện để trần vì ông Thơm chưa kiếm ra "áo" mặc cho nó thật ưng ý.
|
|
Một sản phẩm cũng rất độc đáo mà ông Thơm tâm đắc là lon bia điện thoại bàn. Đây là chiếc điện thoại ông chế rất độc đáo, lắp ghép từ nhiều chi tiết của các sản phẩm điện tử, đồ dùng hư hỏng khác.
|
|
Chiếc mô tô ông tự lắp ráp từ các bộ phận khác nhau của nhiều đồ như đồ chơi trẻ em, xe đạp, xe máy cũ... với chất liệu sắt, nhôm, nhựa. Ông Thơm cho biết, chiếc xe máy này đang trong quá trình hoàn thiện vì còn thiếu một số chi tiết, và nó có thể chạy được khi làm xong.
|
|
Một sản phẩm ông tái chế và cảm thấy ưng ý nhất chính là chiếc quạt trần kết hợp với đèn cảnh. Sản phẩm này đặc biệt ở chỗ, ông chế nó từ kính mica của xe hơi. Khi xoay là quạt trần, khi bình thường cánh quạt sẽ cụp xuống thành bóng đèn chùm. Ông cho biết, việc uốn những cánh quạt này rất khó vì phải dùng máy khò để uống cong, nếu cắt lệch các cánh với nhau khoảng 1 cm thì quạt sẽ không quay và không cụp.
|
|
Chiếc xe tăng được làm bằng những vỏ đạn được ông Thơm hoàn thành cách đây không lâu cùng với nòng pháo màu vàng rất bắt mắt. Ông cho biết sẽ làm nhiều mô hình từ vỏ đạn và triển lãm những mô hình đó.
|
|
Gắn bó với nghề làm rác hơn 40 năm, làm Chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập quận 5 nhiều năm nay, ông Thơm đã giành được nhiều thành tích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. "Lâu nay, nhiều người buôn bán đồ cũ, người sưu tầm đồ cũ rất ưa thích đồ của tôi nhưng tôi không muốn bán. Đây là tài sản của công sức bao nhiêu năm sáng tạo đồng thời là của để dành khi gia đình có việc hữu sự", ông Thơm tâm sự. |
|
Bao nhiêu năm mày mò và đam mê sáng tạo, nhiều món đồ vô dụng, rác thải điện tử nguy hai cho môi trường được ông làm "sống" lại trở thành những vật dụng có ích, có giá trị. Hiện nay, niềm đam mê ấy càng lớn hơn vì ông Thơm nghĩ rằng, những việc ông làm không chỉ mang đến niềm vui cho riêng ông mà còn cho xã hội, cho nhiều người sống quanh ông. |
Ảnh:Lê Quân - Clip:Trương Khởi
rác
gia tài
ve chai
bằng khăn
môi trường
TP.HCM