70% là sữa pha lại
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2012 được công bố tại hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam”, tổng đàn bò của Việt Nam đạt trên 166.000 con, và trên 120.000 con đang nuôi chủ yếu tại nông hộ gia đình, với quy mô nhỏ, năng suất sữa thấp và tận dụng các sản phẩm sữa phụ trong trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu cũng chưa đảm bảo.
Nhiều doanh nghiệp mua sữa từ các hộ nông dân, dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào của nhà máy không cao nhưng số lượng sữa không đạt các tiêu chuẩn chất lượng chiếm tới 20-25%.
Vấn đề tồn tại lớn nhất của ngành sữa Việt Nam là thiếu nguyên liệu sữa tươi. |
Thực tế này cho thấy, vấn đề tồn tại lớn nhất của ngành sữa Việt Nam là thiếu nguyên liệu sữa tươi. Đầu vào thiếu nên việc sản xuất chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới.
Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế. Trong dòng sữa nước có tới 70% là sữa hoàn nguyên (sữa pha lại). Đây là nguyên nhân khiến giá cả sữa hoàn nguyên còn đắt đỏ hơn cả sữa tươi sạch. Điều này dẫn đến hệ quả là thông tin trên sản phẩm sữa còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận,” kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa còn hạn chế, không minh bạch, không công khai.
Chất lượng sữa chưa đảm bảo cùng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, gây tổn thất cho ngành sữa Việt Nam. Lãng phí nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu và bản thân người tiêu dùng cũng phải chịu giá cả đắt đỏ, chất lượng mù mờ…
Lối thoát nào cho ngành sữa Việt Nam?
Thực tế sự phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.
Bên cạnh đó, ngành sữa Việt Nam chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi. Hiện nay, chưa có quy hoạch đồng bộ và xây dựng được quy chuẩn cho ngành chăn nuôi bò sữa.
Việc cụ thể hóa tiêu chuẩn về chăn nuôi bò sữa trên dây chuyền công nghệ cao còn khoảng cách lớn về trình độ công nghệ. Do vậy, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN & PTNT cho rằng, cần phải áp dụng công nghệ cao vào sản xuất sữa nhằm tạo ra cuộc cách mạng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.
Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, nhờ áp dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất sữa mà một đất nước không có lợi thế về điều kiện tự nhiên như Israel tự cung cấp đủ sửa cho người dân. Trung bình mỗi năm, một con bò sữa cho thu hoạch 13 tấn sữa. Trong khi đó, sản lượng này ở Việt Nam cao nhất mới đạt khoảng 8 tấn/năm.
Đồng tình với quan điểm của ông Sơn, các chuyên gia đã nhận định con đường nhanh chóng phát triển bền vững ngành sữa và chăn nuôi bò sữa Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao. Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đàn bò có được nguồn thức ăn chất lượng và ổn định. Trong suốt quá trình từ chăn nuôi đến vắt sữa, đàn bò sẽ được quản lý với các thiết bị giám sát rất chặt chẽ, phát hiện để kịp thời loại bỏ những con bò chưa đạt tiêu chuẩn.
Quá trình vắt sữa được thực hiện bằng hệ thống vắt sữa tự động sẽ ngăn ngừa được sự thâm nhập của các loại vi khuẩn hay tác động bên ngoài, mang đến sản phẩm dinh dưỡng, an toàn tới tay người tiêu dùng.