Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giả phụ nữ, lừa yêu rồi tống tiền bằng clip khỏa thân của nạn nhân

Lừa "yêu" qua mạng để tống tiền trong nhiều năm nay đã trở thành hình thức phạm tội rất phổ biến. Các nạn nhân đôi khi bị đẩy đến tuyệt vọng và tìm đến cái chết.

lua tinh tong tien qua mang anh 1

Daniel Perry, 17 tuổi, tưởng rằng mình đang trò chuyện với một cô gái Mỹ đến từ Illinois. Họ nhanh chóng trao đổi ảnh trực tuyến, một điều khá bình thường giữa các bạn trẻ tìm yêu trên mạng, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, cô gái mà Perry trò chuyện không có thật.

Perry, ở Scotland, đã trở thành con mồi cho một nhóm tội phạm kỹ thuật số. Sau khi bí mật ghi hình cuộc trò chuyện thân mật qua webcam với Perry, bọn tội phạm bắt đầu tống tiền. Chúng đe dọa nếu Perry không chuyển khoản, chúng sẽ cho gia đình và bạn bè anh xem video nhạy cảm của anh.

Không biết phải làm gì tiếp theo, Perry đã nhảy cầu tự tử vào tháng 7/2013.

Gần 8 năm trôi qua, người thân của Perry vẫn chưa được nhìn thấy công lý, giống như hàng nghìn nạn nhân khác.

Những kẻ lừa đảo thường giả danh phụ nữ và kết bạn với nam giới trên mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò. Những người chat với nạn nhân đôi khi được các băng đảng thuê, vài người trong số đó là trẻ vị thành niên.

Tống tiền bằng sự xấu hổ của nạn nhân

Các băng nhóm này hoạt động trên khắp thế giới, nhưng chúng chủ yếu ở Philippines, Morocco và Bờ Biển Ngà. Các chuyên gia cho rằng hình thức lừa đảo, tống tiền bằng hình ảnh khiêu dâm này là một hình thức phạm tội mang tính quốc tế, được định hình chủ yếu bởi sự phát triển của công nghệ.

Tháng 11/2013, Interpol đã tiến hành một chiến dịch truy quét được gọi là Chiến dịch Strikeback, sau khi các sĩ quan từ Trung tâm Tội phạm Kỹ thuật số Interpol lần đầu tiên gặp đại diện cảnh sát từ Hong Kong, Singapore và Philippines để thảo luận về loại hình phạm tội này.

Kể từ đó, họ đã tiến hành thêm nhiều đợt truy quét trong nhiều năm và bắt giữ hàng chục tên tội phạm và băng nhóm, đồng thời giải cứu nhiều trẻ vị thành niên bị các băng đảng này lợi dụng.

Tuy nhiên, đến nay, dường như loại tội phạm này vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khiến phần lớn mọi người chủ yếu hoạt động qua Internet.

lua tinh tong tien qua mang anh 2

Những kẻ lừa đảo thường dẫn dụ nạn nhân gọi video thân mật, bí mật ghi hình rồi tống tiền họ. Ảnh: Dagospia.

Richard, một sinh viên đại học 20 tuổi người Anh, không ngờ cuộc trò chuyện thân thiện với một người lạ lại khiến anh hoảng loạn suốt một thời gian sau.

Vào tháng 2, trong đợt phong tỏa lần 2 tại Anh, hầu hết sinh viên như Richard đều ở nhà học trực tuyến.

Sau khi trò chuyện qua mạng với cô gái trẻ, có ngoại hình “giống người Trung Quốc hay Hàn Quốc”, anh đồng ý gọi video thân mật qua Google Hangouts.

“Vào thời điểm đó, tôi không biết rằng người kia đã cho tôi xem video giả về một cô gái đang thoát y. Video có vẻ chập chờn. Nó tiếp tục như vậy rồi sau đó màn hình chuyển sang màu đen”, Richard kể.

Sau đó, video bị ngắt. “Đột nhiên, một đoạn ghi hình hành động nhạy cảm của tôi nhảy lên trên màn hình điện thoại. Tôi bắt đầu hoảng sợ”, anh nói.

Người ở đầu dây bên kia gọi đe dọa sẽ gửi video cho bạn bè và gia đình của anh trên Instagram nếu anh không chuyển 400 bảng Anh (565 USD) cho một tài khoản ở Philippines.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi Richard gửi tiền, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Kẻ lừa đảo yêu cầu anh gửi 200 bảng Anh (282 USD) mỗi tháng trong vòng một năm.

“Hai ngày sau khi sự việc diễn ra, tôi đã nói chuyện riêng với mẹ. Tôi thực sự rất xấu hổ và thấy mình quá ngây thơ. Thế nhưng đó là cách mà chúng moi tiền. Chúng khiến bạn cảm thấy xấu hổ và tội lỗi để bạn phải đưa tiền”.

Thay vì tức giận như Richard đã lo sợ, mẹ anh cổ vũ anh đến gặp cảnh sát. Dẫu vậy, các nhà chức trách nói rằng họ không thể làm được gì vì kẻ lừa đảo đang ở Philippines.

Sau sự việc, Richard đã khóa tài khoản Instagram của mình và bỏ qua các lớp học online trong 1 tuần.

“Tôi không thể tập trung, tôi chỉ nghĩ về chuyện đó. Lần đầu tiên trải qua chuyện như vậy, tôi cảm thấy mình đơn độc. Tôi không biết bất kỳ ai từng trải qua chuyện này và không biết phải xin lời khuyên từ ai”, anh nói.

“Điều tôi rút ra được từ trải nghiệm này là không thực hiện các hành vi khiêu dâm với bất kỳ ai trên mạng, dù là người quen hay người lạ, vì chúng ta không bao giờ có thể biết được ý định thực sự của người đó là gì”, Richard chia sẻ thêm.

lua tinh tong tien qua mang anh 3

Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý xấu hổ của nạn nhân để tống tiền. Ảnh: Strathspey Herald.

Waghmare, một nhân viên ngân hàng 25 tuổi ở Ấn Độ, cũng có trải nghiệm tương tự gần đây. Sau khi xem qua hồ sơ có vẻ đáng tin, có hiện dòng chữ “đã xác minh” của một người tên Seema Saini trên ứng dụng hẹn hò OKCupid, anh bắt đầu trò chuyện với người này. Những tin nhắn qua lại bình thường dần biến thành một cuộc “chat tình”.

“Chúng tôi đã gọi video và tôi bắt đầu thoát y trong khoảng ba phút”, anh nói.

Không lâu sau, Waghmare nhận được đoạn ghi hình cuộc gọi kèm lời đe dọa rằng đoạn phim sẽ được đăng trên mạng xã hội nếu anh không trả 1.500 INR (20 USD) qua Google Pay.

“Tôi rất sợ, vì vậy tôi đã nài nỉ hai lần, xin họ không đăng nó, nhưng người ở đầu dây bên kia rất cương quyết”, anh nói. Waghmare kể thêm rằng sau đó anh còn nhận được một cuộc gọi từ người tự nhận mình là cảnh sát, nhưng yêu cầu anh trả thêm tiền.

Ritesh Bhatia, một nhà điều tra an ninh mạng ở Mumbai, người đã điều tra vụ việc, cho biết hàng trăm người như Waghmare đã bị một nhóm tội phạm ở thành phố Bharatpur, miền Tây Ấn Độ, nhắm đến.

“Đàn ông là con mồi dễ tóm. Thông thường, nữ giới không dễ chấp nhận yêu cầu kết bạn hoặc hoặc kết nối trên mạng xã hội”, anh nói.

Tống tiền qua mạng ngày càng gia tăng

Tại Anh, đơn vị chống bắt cóc và tống tiền của Cơ quan Tội phạm Quốc gia đã ghi nhận 2.604 vụ tống tiền vào năm ngoái, tăng 62% so với năm 2019 - mức tăng lớn nhất trong 5 năm.

“Đây là tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức, tấn công vào cảm xúc và điểm yếu của con người. Mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều có thể là nạn nhân, nhưng bằng chứng của chúng tôi cho thấy nam giới trong độ tuổi từ 19 đến 35 là mục tiêu chủ yếu”, một phát ngôn viên nói với This Week in Asia.

Ông nói, phần lớn tội phạm tống tiền bằng hình ảnh khiêu dâm là các nhóm ở nước ngoài. “Đối với họ, đó là một cách kiếm tiền ít rủi ro, dễ dàng, nhưng đối với các nạn nhân, tác động và hậu quả có thể lâu dài. Chúng tôi biết ít nhất bốn nạn nhân gần đây ở Vương quốc Anh đã tự sát”.

lua tinh tong tien qua mang anh 4

Phần lớn nạn nhân là nam giới vì phụ nữ thường khó chấp nhận các lời mời trò chuyện thân mật qua mạng hơn. Ảnh: Shutterstock.

Tại Hong Kong, các nhà chức trách năm 2020 đã ghi nhận số vụ lừa tình kiêm lừa tiền qua mạng cao nhất từ ​​trước đến nay: 905 vụ, gần gấp đôi năm 2019. Tổng số tiền mà các nạn nhân giao nộp lên tới 27,4 triệu USD.

“Những kẻ lừa đảo mạo danh thành binh lính, thương gia hoặc chuyên gia để tăng lòng tin của nạn nhân”, ông nói. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng cảnh sát không giữ số liệu cụ thể về các trường hợp bị tống tiền bằng hình ảnh khiêu dâm.

Wayne May, quản trị viên của diễn đàn trực tuyến Scam Survivors được thành lập năm 2011, cho biết kể từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2021, ông đã ghi nhận số trường hợp bị tống tiền qua mạng bằng hình ảnh khiêu dâm tăng lên 13%, với tổng số trường hợp là 1.790 vụ.

“Mọi người đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn trong khi ở một mình, một số người khá cô đơn”, ông nói.

Mỗi ngày, diễn đàn của ông nhận được trung bình 6 tin nhắn liên quan đến tống tiền bằng hình ảnh khiêu dâm, cùng với khoảng 8.000 lượt truy cập vào trang web.

“Một nạn nhân điển hình sẽ là nam giới trong độ tuổi 20 đến 40, nhưng cũng có người là thiếu niên hoặc từ 60 tuổi trở lên”, ông nói, cho biết thêm rằng họ đến từ mọi nơi, bao gồm New Zealand và Malaysia.

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng 'nguy hiểm nhất thế giới'

Các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế cho biết đã chặn đứng âm mưu chiếm đoạt hàng tỷ USD trên khắp thế giới của một nhóm tội phạm công nghệ cao, Reuters đưa tin ngày 27/1.

Tội phạm công nghệ bùng phát, mafia truyền thống co cụm vì Covid-19

Những hoạt động lừa đảo qua mạng hoặc tin tặc tấn công gia tăng ở các nước trong đợt dịch Covid-19, trong khi nạn buôn ma tuý hoặc các vụ ám sát, tống tiền giảm đáng kể.

Hồng Ngọc

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm