Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá nước sạch Hà Nội sắp tăng lần đầu sau 10 năm

Cơ quan quản lý đánh giá khả năng phân phối nước sạch tại Hà Nội vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, sẽ tăng giá nước do chi phí cấu thành giá nước sạch đang tăng cao.

Việc điều chỉnh giá nước sạch dự kiến đẩy CPI tăng thêm 0,17%. Ảnh: H.H.

Việc điều chỉnh giá nước sạch dự kiến đẩy CPI tăng thêm 0,17%. Ảnh: H.H.

Theo thông tin về tình hình cấp nước cho dịp hè năm 2023 mới được Sở Xây dựng Hà Nội công bố, tổng nhu cầu sử dụng nước sạch toàn thành phố hiện nay ước tính 1,15-1,25 triệu m3/ngày đêm. Vào hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5-10%, lên 1,25-1,35 triệu m3/ngày đêm.

Trong khi đó, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt khoảng 1,53 triệu m3/ngày đêm. Như vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng, đặc biệt tại địa bàn cấp nước của Công ty CP Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) đang sử dụng phần lớn nguồn nước mặt sông Đà (khoảng 170.000-180.000 m3/ngày đêm).

Hiện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco đang triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng công suất nhà máy đúng tiến độ các gói thầu. Các công trình trong giai đoạn 2 đang được trình thiết kế để Bộ Xây dựng thẩm định. Như vậy, toàn bộ đường ống giai đoạn 2 dự kiến được đưa vào vận hành trong tháng 5.

Về lộ trình tăng giá nước sinh hoạt, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đã tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch để bảo đảm chất lượng nước cho người dân.

Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong 2 năm (2023-2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.

Dự kiến đối với hộ gia đình tiêu thụ 10 m3/tháng, chi phí sẽ tăng khoảng 15.270 đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có thể tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, đơn vị.

Tại dự thảo phương án giá trình UBND thành phố, Sở Tài chính Hà Nội cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng sẽ khiến CPI tăng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Bên cạnh việc bảo đảm an ninh nguồn nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch đang đồng loạt đề nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh sớm giá bán lẻ nước sạch.

Công ty CP Nước mặt sông Đuống mới đây đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về các vướng mắc liên quan đến giá bán buôn nước sạch. Theo đó, giá bán buôn nước sạch được tăng lên 8.325 đồng/m3 theo Quyết định 3342/QĐ-UBND TP Hà Nội, nhưng nhiều đơn vị mua buôn không đồng ý thanh toán và ký kết phụ lục hợp đồng.

Công ty sông Đuống nêu ví dụ cụ thể với Công ty CP Viwaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đều chưa thống nhất ký phụ lục hợp đồng do giá bán lẻ nước sạch chưa được điều chỉnh. Các đơn vị này chỉ đồng ý thanh toán với đơn giá cũ khoảng hơn 5.000 đồng/m3.

Hiện nay giá nước sạch đang được TP Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bài liên quan

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm