Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá nhà đất tại Trung Quốc lao dốc vì khủng hoảng nợ

Người Trung Quốc mua nhà với niềm tin rằng giá sẽ liên tục tăng. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản nước này khiến bong bóng nhà đất bắt đầu vỡ.

Theo số liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá nhà tại Trung Quốc tiếp tục phát đi những tín hiệu tiêu cực. Nikkei Asian Review nhận định các con số cho thấy nhu cầu mua nhà lao dốc trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản nước này.

Cụ thể, giá nhà mới ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trong tháng 10 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lao dốc 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước. Tính toán của Reuters chỉ ra giá giảm 0,2% so với tháng trước, mức lớn nhất kể từ tháng 2/2015.

Theo phân tích của Goldman Sachs, giá nhà tại 70 thành phố của Trung Quốc sụt 0,8% so với tháng trước đó. "Giá nhà ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 vẫn tiếp tục tăng, nhưng giá tại những thành phố cấp thấp hơn đều sụt giảm", ngân hàng đầu tư này nhận định.

Gia nha tai Trung Quoc anh 1

Giá nhà đất tại Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm, trái ngược với niềm tin của nhiều người mua nhà rằng giá sẽ chỉ tăng và tăng. Ảnh: CNN.

Khủng hoảng niềm tin

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố số liệu thống kê về dư nợ cho vay thế chấp trong tháng 10. Mức tăng lên tới 41% so với tháng 9. Theo Nikkei Asian Review, dường như ngân hàng trung ương đang tìm cách xoa dịu thị trường sau các biện pháp thắt chặt vay nợ.

Nhưng theo các nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, việc nới lỏng những hoạt động cho vay thế chấp không đủ để xoa dịu căng thẳng đối với các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền mặt.

Tình hình thực tế có thể tồi tệ hơn những số liệu chính thức. Các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Họ phải nhanh chóng bán căn hộ để tăng tiền mặt. Nhiều tập đoàn giảm tới nửa giá.

Giới quan sát cho rằng nhu cầu bất động sản nhà ở của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy giảm liên tục.

Nhiều hộ gia đình đang trì hoãn mua nhà. Bởi họ không chắc liệu các tập đoàn địa ốc có sức khỏe tài chính ổn định để tiếp tục hoàn thành những dự án nhà ở hay không

Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics

Theo nhà kinh tế Mark Williams tại Capital Economics, ước tính có tới 30 triệu bất động sản chưa có người mua tại Trung Quốc, tương đương với nơi ở của khoảng 80 triệu người, gần bằng dân số Đức.

Trên hết, khoảng 100 triệu căn hộ được khách hàng mua nhưng không ở, theo ước tính của Capital Economics. Tại Trung Quốc, những dự án này thường được gọi là "thị trấn ma".

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

"Nhu cầu bất động sản nhà ở tại Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy giảm liên tục", ông Williams lập luận. Theo ông, đó là gốc rễ của những tai ương giáng vào China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - và các nhà phát triển bất động sản nợ nần khác.

Nhu cầu sụp đổ

Cùng với đó là những dự án dở dang. Khoảng 90% bất động sản mới tại Trung Quốc được bán trước khi hoàn thành. Điều đó có nghĩa là sự sụp đổ của nhà phát triển có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người mua.

"Đó là động lực để các nhà chức trách đảm bảo tiếp tục những dự án dang dở, ngay cả khi các tập đoàn địa ốc tái cấu trúc", ông nói thêm.

Theo phân tích của Bank of America, China Evergrande đã bán được 200.000 căn nhà chưa hoàn thành cho người mua. Điều đó càng làm trầm trọng thêm lo ngại rằng người mua nhà có thể trắng tay khi nhà phát triển sụp đổ.

Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho rằng nhiều hộ gia đình đang trì hoãn mua nhà. Bởi họ không chắc liệu các tập đoàn địa ốc có sức khỏe tài chính ổn định để tiếp tục hoàn thành những dự án nhà ở hay không.

Gia nha tai Trung Quoc anh 2

Tỷ phú Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc China Evergrande. Ảnh: Reuters.

Núi nợ khổng lồ đã làm trì hoãn các dự án nhà ở của China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc. Tập đoàn phải trả các trái chủ, nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên và nhà đầu tư lẻ tổng cộng hơn 300 tỷ USD.

Hôm 12/11, China Evergrande được cho là đã kịp thời thanh toán khoản lãi trái phiếu 148 triệu USD và tránh khỏi một vụ vỡ nợ. Nhưng một số nhà đầu tư cho biết vẫn chưa được trả tiền.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn nhìn ra những tín hiệu lạc quan hơn đối với lĩnh vực bất động sản của đất nước 1,4 tỷ dân.

"Gần đây, chúng tôi đã nhận thấy các tín hiệu nới lỏng từ chính phủ bằng những hành động thực tế", nhà phân tích Stephen Cheung và Calvin Leung của Jefferies bình luận.

Các nhà phân tích cho rằng những động thái sắp tới của giới chức trách có thể giúp phục hồi doanh số bán nhà. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng một số công ty nhỏ, hoạt động yếu kém có khả năng vỡ nợ.

Lạm phát cao ăn mòn túi tiền của người tiêu dùng Mỹ

Các thực phẩm quan trọng như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, sữa, trứng và đường đều tăng giá mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng ảnh hưởng ngày mua sắm 11/11 của Trung Quốc

Alibaba ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục kể từ khi sự kiện 11/11 đầu tiên. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt cơn sốt mua sắm ở Trung Quốc.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm