Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia Lai và Đồng Nai để xảy ra vi phạm với gần 2.400 ha đất

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhắc tên 2 tỉnh Gia Lai và Đồng Nai do để xảy ra vi phạm trong quá trình triển khai 99 dự án với gần 2.400 ha đất.

Theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 99 dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đồng Nai trong quá trình triển khai không đưa đất vào sử dụng đã bị chậm tiến độ sử dụng đất, với tổng diện tích gần 2.400 ha.

Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, qua quá trình rà soát các dự án trên địa bàn trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này ghi nhận có 34 dự án, công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chậm tiến độ thực hiện.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất của 2 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích hơn 53,5 ha.

Tại dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Công ty cổ phần Sông Đà 11 - Thăng Long (tại phường Yên Thế, thành phố Pleiku) bị thu hồi diện tích trên 0,3 ha; diện tích thu hồi tại dự án trồng rừng của Công ty TNHH Thương mại Đệ Nhất Việt Hàn (tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) là 53,2 ha.

Tại tỉnh Đồng Nai, qua kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với 65 dự án, công trình vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng (từ ngày 1/7/2014 đến ngày 15/11/2022), với tổng diện tích đất lên tới 2.319,4 ha.

Trong số đó, có 50 trường hợp tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ đầu tư; 9 trường hợp không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục; 6 trường hợp còn vướng mắc về công tác bồi thường, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.

Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi đất của 10 dự án, công trình với tổng diện tích đất 23,9 ha; đang xử lý 18 dự án, với diện tích 1.724 ha.

Các trường hợp bị thu hồi đất gồm: Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa; Công ty Cổ phần DIC Đồng Tiến, Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần vật tư xăng dầu COMECO, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Đồng Nai - các trường hợp này có địa chỉ tại huyện Nhơn Trạch.

5 trường hợp khác cùng bị thu hồi đất là HTX Hiếu Liêm tại huyện Vĩnh Cửu; Công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) tại thị trấn Trảng Bom; trường THPT Hưng Đạo Vương tại huyện Thống Nhất; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Biên Hòa tại huyện Cẩm Mỹ; Tổng công ty Tín Nghĩa tại thành phố Long Khánh.

Các trường hợp còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục theo dõi, xử lý; 15 dự án được gia hạn tiến độ sử dụng đất đã đưa đất vào sử dụng.

Sách hay về đô thị

Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.

Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.

Đề nghị điều tra vụ sai phạm đất đai ở Sóc Trăng

Không chỉ giao đất sai đối tượng, không thông qua quyền sử dụng đất, lãnh đạo UBND TP Sóc Trăng còn để một doanh nghiệp xây nhà rồi bán, hưởng lợi trên 1,9 tỷ đồng.

https://vov.vn/xa-hoi/gia-lai-va-dong-nai-da-de-xay-ra-vi-pham-voi-gan-2400-ha-dat-post996414.vov

Văn Ngân/VOV

Bạn có thể quan tâm