Với những lời giới thiệu như “cây tỷ đô”, “nữ hoàng của các loại hạt khô”, cây mắc ca đang trở thành tâm điểm chú ý ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiệu quả thực chất của loại cây này tới đâu, và đầu ra như thế nào, tiềm năng thị trường ra sao thì chưa rõ. Một thị trường an toàn và minh bạch, đúng với tiềm năng của loại cây này là mong mỏi của nhiều bà con nông dân.
Vườn mắc ca trồng được 3 năm của gia đình ông Ngô Văn Xá, ở thôn Hà Lòng, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Gần 350 cây giống mắc ca đưa vào trồng là của dự án khảo nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua sự chuyển giao của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai.
Mắc ca, loài cây được gắn với cái tên “cây tỷ đô”. |
Một số cây trong vườn đã bắt đầu ra qua, đậu quả. Tuy vườn mắc ca sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, nhưng 3 năm qua, thị trường sản phẩm cây rất mơ hồ, chưa có cơ sở thu mua nào trên địa bàn, không có thông tin cụ thể gì về sản phẩm đầu ra khiến ông Xá rất lo lắng. Để tránh bị trắng tay trong trường hợp cây mắc ca thất bại, ông Xá đã đem trồng thêm cà phê vào vườn, phá vỡ cam kết khi nhận đầu tư của dự án.
Mắc ca, loài cây được gắn với cái tên “cây tỷ đô” đã có ở trên đất Gia Lai được 6 năm. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế của loại cây này vẫn chưa hiện hữu, thị trường tiêu thụ còn mơ hồ. Trong khi đó, nguồn giống cung ứng cho nông dân lại mù mịt về lai lịch và chất lượng.