Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng, cho biết không thể thực hiện trồng ồ ạt 200.000 ha trong toàn tỉnh, với ý định nâng diện tích tại địa phương gấp đôi diện tích toàn thế giới, nhằm chiếm ưu thế chi phối thị trường nguyên liệu.
Ông S nhấn mạnh, diện tích thực hiện tại Lâm Đồng sẽ dao động quanh mức 22.000 ha, và sẽ quyết định con số cụ thể sau khi Tập đoàn Him Lam trình bày kế hoạch việc hợp tác trồng với nông dân vào tháng 6/2015.
Ông Phạm S lý giải, việc không thể thực hiện dự án với con số 200.000 ha: “Quy hoạch đất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 300.000 ha, trong đó tổng diện tích cà phê và chè 170.000 ha. Dù có trồng xen canh vào chè, cà phê cũng không đạt. Ưu thế sản lượng không phải là ưu thế cạnh tranh, chi phối toàn cầu.
Thực tế cho thấy, gạo, cà phê của Việt Nam có sản lượng hàng đầu thế giới, nhưng chỉ số cạnh tranh dưới 10%. Trồng mắc ca cần thận trọng, vì quá mới và thị trường chưa rõ, chú trọng công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu”.
Một số vườn mắc ca trồng tại Đà Lạt bắt đầu cho quả sau 4 năm trồng. |
Ông Lê Văn Liền, Giám đốc dự án mắc ca Lâm Đồng (Tập đoàn Him Lam), lo ngại 22.000 ha thì chỉ cho sản lượng khoảng 40% sản lượng toàn thế giới hiện nay, do đó không điều phối được thị trường. Ông nói: “Ít nhất cho chúng tôi thực hiện trên diện tích 150.000 ha”.
Tuy nhiên, bên lề cuộc họp, ông Liền cho biết, dự án sẽ tiến hành với diện tích 22.000 ha mà tỉnh Lâm Đồng đã dự kiến, để chứng minh tính hiệu quả. Sau đó vận động nông dân cùng liên kết sản xuất.
Ông Liền cho biết thêm: “Sẽ xin ý kiến việc cho dân mua nợ giống, chỉ lấy tiền sau khi mắc ca cho thu hoạch đạt năng suất, đúng với hợp đồng liên kết sản xuất”.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án mắc ca, tỉnh Lâm Đồng đồng ý địa phương sẽ quy hoạch vùng trồng, phối hợp với Tập đoàn Him Lam chuẩn hóa các giống trồng tại địa phương theo xu hướng thế giới, kiểm soát hoạt động các vườn ươm tự phát.
Theo Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng, cây này sẽ trồng xen canh với cà phê có năng suất dưới 3 tấn/ha và cà phê đang tái canh, để tránh gây xáo trộn cơ cấu cây trồng.