Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhà kinh doanh cho rằng, sức mua mới là yếu tố quyết định bài toán giá cả chứ không phải chi phí đầu vào.
Hàng trong nước khó tăng giá
Chị N.T., chủ một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng tại TP HCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu mà công ty đang phân phối như mì gói, dầu ăn, sữa đến dầu gội... đều giảm giá liên tục, đặc biệt là các mặt hàng phân khúc cấp thấp.
“Các nhà sản xuất đang cạnh tranh rất dữ dội. Chẳng hạn, mặt hàng sữa nước hầu hết giảm giá, khuyến mãi, mức giảm khoảng 2-3%, không có nhãn nào dám tăng giá vì sức mua quá thấp”, chị T. cho biết.
Sản phẩm giảm giá chủ yếu là hàng cận đát, các hãng chủ động giảm giá để dễ bán hàng hơn. Nhưng thực tế hãng này giảm thì hãng kia cũng giảm theo, nên cạnh tranh hiện nay rất khốc liệt. “Ngay cả ngành thiết yếu như mì gói, dầu ăn... các thương hiệu đang ở thế 'kéo co' giành thị phần ở phân khúc cấp thấp nên tôi không cho rằng nhà sản xuất sẽ tăng giá lúc này”, chị T. nói thêm.
Nhiều chuyên gia lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam thời gian tới. Trong ảnh: Vận chuyển trái cây tại chợ Long Biên, Hà Nội . |
Giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất dầu ăn cho biết, nguyên liệu dầu ăn giảm theo giá dầu thế giới dẫn đến đầu vào sản phẩm giảm liên tục thời gian qua, nhưng sức tiêu thụ dầu ăn giảm mới là điều đáng lo của nhà sản xuất.
“Sức mua rất chậm. Nhiều khu vực xảy ra tình trạng người tiêu dùng 'rớt' từ sản phẩm trung cấp xuống cấp thấp, giá rẻ hơn để tiết kiệm chi tiêu, số lượng mua của người dân cũng giảm”, ông này nói thêm.
Do vậy, dù nguyên liệu sản xuất dầu ăn đều phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng tỷ giá có tăng thêm thì cũng khó tạo ra đợt tăng giá mạnh ở ngành hàng tiêu dùng.
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, hiện các mặt hàng hóa mỹ phẩm, may mặc và đồ gia dụng tập trung làm khuyến mãi nhiều nhất và có tỉ lệ giảm giá cao hơn thực phẩm.
“Các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi liên tục, giúp cho họ chủ động điều tiết giá thay vì giảm giá trực tiếp. Bởi muốn điều chỉnh giá phải có lộ trình và quy trình khảo sát chặt chẽ, đòi hỏi thị trường phải có biến động khách quan hoặc nhà cung cấp phải có kế hoạch trước vài tháng”, ông Hoàng Anh nói.
Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, cho rằng, hiện nay các nhà bán lẻ đang đấu tranh để duy trì tăng trưởng, với mức tăng chỉ 2-3% gần năm qua cho thấy sức mua đang rất khó khăn.
Lo hàng Trung Quốc tràn ngập
Hiện nay hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn là rau củ quả, nội thất như giường tủ bàn ghế, đồ dùng nhà bếp bằng kim loại gồm xoong, nồi, muỗng, rổ, tủ bếp... Đây là những mặt hàng xuất hiện phổ biến từ chợ đến siêu thị và cạnh tranh trực tiếp lên hàng sản xuất trong nước.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, mặc dù nhiều lần được cảnh báo, rau quả Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ, nhất là các loại rau quả trái mùa. Sau khi đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh, hàng Trung Quốc còn rẻ hơn, nếu không có hàng rào kỹ thuật hay có biện pháp kiểm soát thì từ đây đến cuối năm, hàng Trung Quốc rất dễ “rộ” trở lại, điều mà Việt Nam vất vả lắm mới hạn chế được một phần từ mấy năm nay.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng mặt hàng rau củ quả, sáu tháng đầu năm 2015, rau quả nhập từ Trung Quốc đã đạt kim ngạch 61,6 triệu USD, tăng 7,19% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên con số thực tế cao gấp nhiều lần do hàng Trung Quốc chủ yếu đi bằng con đường tiểu ngạch, biên mậu.
Giám đốc một công ty sản xuất túi xách cho biết, đang vào mùa năm học mới nhưng thị trường rất chậm, công ty phải giảm giá 20% dành cho dòng sản phẩm học sinh. Với thị trường túi xách Việt Nam, hiện nay hàng Trung Quốc đã nhập khẩu vào Việt Nam rất nhiều, chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, đã gây khó khăn cho hàng sản xuất trong nước.
Khi đồng nhân dân tệ giảm giá sâu, nguy cơ túi xách Trung Quốc vào Việt Nam cũng sẽ nhiều hơn nhờ rẻ hơn, lúc đó hàng sản xuất nội địa sẽ mệt mỏi hơn.
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG:
Hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các ban, bộ ngành, cơ quan liên quan, về việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành.
Yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, tình hình sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra cho năm 2015. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.