Bà Lê Thị Hoàng (quận Tân Bình) than thở: “Hổm rày đi chợ giá rau cỏ tăng mấy ngàn đồng. Như hồi trước mua bó rau mồng tơi có 5.000 đồng nay phải bỏ ra 8.000 đồng mới mua được mà nhìn trọng lượng chỉ bằng khoảng 3/4 so với bình thường. Hay thịt ba rọi bữa trước mua chừng 80.000 đồng/kg giờ lên tới 85.000-90.000 đồng/kg (tùy ngày)”.
Các siêu thị đang kêu gọi nhà cung cấp phối hợp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích sức mua tiêu dùng. |
Ngoài rau củ, thịt các loại, giá mặt hàng thủy hải sản cũng không chịu đứng yên do tàu thuyền hạn chế ra khơi khiến cho hàng sụt giảm hẳn.
Giá tăng, tình hình buôn bán ngoài chợrơi vào ế ẩm nên các tiểu thương chưa dám tăng giá nhiều. Chị Nguyễn Thị Thủy, một tiểu thương chợ Gò Vấp, chia sẻ mưa bão liên tục nên hàng về ít, dễ bị dập nên chị phải tăng chút đỉnh để bù lại chi phí. Đặc biệt, nhiều tiểu thương cho biết chi phí vận chuyển đã bắt đầu tăng.Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, lượng hàng về ít hơn so với lúc bình thường, khoảng 2.856 tấn/đêm. Cụ thể, hàng Đà Lạt bình thường về khoảng 800 tấn/đêm nay giảm còn 600 tấn/đêm. Điều này làm cho một số mặt hàng tại chợ lẻ biến động theo.
Trong khi đó, đại diện các hệ thống bán lẻ cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá bán từ một số nhà cung cấp nhưng đều chưa chấp thuận, thậm chí lúc này còn giảm giá bán một số mặt hàng thiết yếu. Như tại Siêu thị Co.opmart đang có chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá, tập trung vào thực phẩm như cà rốt, cá chẽm, đùi gà, cải ngọt... Cũng nhận được đề nghị tăng giá thêm 5%-10% từ một số nhà cung cấp nhưng Siêu thị Lotte Mart đang xem xét, đồng thời đề nghị các nhà cung cấp phối hợp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để chia sẻ với người tiêu dùng. Bởi theo họ trong bối cảnh sức mua thấp, nhà cung cấp nào tăng giá cao sẽ xem như “tự sát”.
Ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, chia sẻ hiện nay không chỉ có giá xăng, điện tăng mà giá cước vận chuyển, giá các nguyên liệu như muối, chai, thùng carton… đều có xu hướng tăng. Đầu năm 2013, cá cơm - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm trở nên khan hiếm nên giá nguyên liệu đầu vào này có lúc đội lên thêm đến 40% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, nhờ chủ động trữ lượng hàng lớn khi mùa cá rộ lên nên công ty đã mua được gần 4.000 tấn cá cơm, đủ nguyên liệu tốt để sản xuất nước mắm cho mùa sau.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá. Theo đánh giá của Bộ, tình hình giá cả hiện nay rất khó dự đoán do mưa bão còn diễn biến phức tạp; giá điện, giá gas, giá xăng dầu thế giới thất thường gây tác động đến giá các mặt hàng này trong nước, cộng thêm nhu cầu một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có khả năng tăng cao vào dịp khai giảng, lễ 2/9 và những tháng cuối năm... sẽ gây sức ép lớn lên mặt bằng giá.
Giá thực phẩm tại TP.HCM ngày 12/8 - Xà lách búp Đà Lạt từ 30.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. - Khoai tây từ 30.000 đồng tăng lên 35.000-40.000 đồng/kg. - Bông cải xanh tăng 10.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. - Nấm rơm tăng mạnh từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg, có khi 150.000 đồng/kg. - Khổ qua từ 4.000 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg. - Các loại rau mồng tơi, cải ngọt, bầu bí tăng thêm 3.000-4.000 đồng, dao động từ 8.000 đến 12.000 đồng/kg/bó. - Giá các loại thủy sản đang cao như cá thu 200.000 đồng/kg, tôm bạc 150.000 đồng/kg, mực ống 90.000 đồng/kg, cá lóc 60.000 đồng/kg… |