Chị Hằng, nhân viên truyền thông của một doanh nghiệp trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết trong những ngày mưa bão này, do khu vực của chị chịu cảnh ngập lụt nặng nhất nên hầu hết sinh hoạt đều bị đảo lộn. "Chợ họp rất ít, hàng hóa thiếu hụt và tăng giá mạnh do khan hiếm, khiến việc đi chợ gặp nhiều khó khăn. Đấy là chưa kể nhà cách chợ tới 1km, đường lại ngập nước cao đến đầu gối, phải đi ra ngoài trong điều kiện như vậy rất cực khổ".
Để có thể chăm sóc bữa ăn cho gia đình, chị quyết định dùng đến dịch vụ giao thực phẩm tận nhà. "Chỉ cần gọi điện thoại, đọc danh sách đồ cần mua, sau khoảng 1 tiếng sẽ có người mang hàng đến tận nhà. Giá thành thì cao hơn ngày thường một chút, do cộng thêm cả công dịch vụ, nhưng tiện lợi, và cái chính là không phải vật lộn ngoài đường ngày mưa bão".
Mưa lớn gây ngập lụt tại Hà Nội là cơ hội kinh doanh cho những người cung cấp dịch vụ tận nhà. Ảnh: Lê Hiếu |
Anh Thu, một người chuyên cung giao thực phẩm tận nhà, cho biết, vào ngày thường, việc kinh doanh cũng khá ổn định. Tuy nhiên, doanh thu đó không đáng là bao so với thời điểm mưa bão, ngập lụt và ngày đại hàn.
Theo anh, khách mua hàng trong ngày mưa bão, ngập lụt phải chấp nhận giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn so với bình thường từ 20-25%. Nếu mua thêm đồ khô tại các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, khách phải trả thêm từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng một lượt, nhưng được đặt hàng bao nhiêu tùy thích, không hạn chế cân nặng.
"Thời điểm năm 2008, khi Hà Nội bị ngập trên diện rộng, tôi chỉ làm nhiệm vụ giao hàng tận nhà. Thời điểm đó, giá giao một thùng mì tôm cho khách ở khu đô thị Định Công là 10.000 đồng/lượt. Nay, với đoạn đường đó, nhưng bỏ thêm chút thời gian đi chợ, mỗi lần giao hàng có thể thu gấp 5-6 lần. Dịch vụ đi chợ hộ này càng đắt khách tại những tuyến phố hễ mưa là ngập, như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn....", anh Thu nói.
Người đàn ông làm dịch vụ sáng tạo trong ngày mưa bão này còn chia sẻ, khách hàng thường đặt mua tập trung vào buổi trưa hoặc chiều tối, nên rất tiện lợi, vì anh tập hợp đơn hàng để chỉ phải đi chợ một lần. Mua nhiều, giá rẻ, khách hàng và chính mình cũng đỡ vất vả. Chỉ trong chiều hôm qua, 8/8, anh đã đi chợ, giao hàng cho gần 30 gia đình, thu gần 3 triệu tiền công".
Ngoài cách gọi điện đặt hàng cho những người giao hàng lẻ, thuê đi chợ hộ này, ngày mưa bão nhiều người đã đi chợ bằng cách mua hàng online tại các trang web mua sắm. Mua hàng online ngày bão tiền ship vẫn giữ nguyên mức như ngày thường là 30.000 đồng/lần, song hàng hóa kém phong phú và thời gian chờ đợi lâu hơn nhiều, nên dịch vụ đi chợ hộ vẫn hút khách nhất.