Ngày 31/7, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh giảm giá mặt hàng này từ ngày mai (1/8). Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tiếp tục giảm trung bình 18.000 đồng, loại 45 kg giảm 67.500 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/8 giá bán gas Saigon Petro giảm 18.500 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ gas thương hiệu này đến tay người tiêu dùng sẽ ở mức 430.500 đồng/bình 12 kg và bình 45 kg ở mức 1.190.000 đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết từ tháng 8 giá gas giảm 18.000 đồng/ bình 12 kg và 67.500 đồng/bình 45 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 432.900 đồng/bình 12 kg và 1.623.390 đồng/bình 45 kg.
Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas trong nước được điều chỉnh giảm. Lũy kế mức giảm 4 tháng qua khoảng 87.000 đồng/bình 12 kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 3 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm 2022.
GIÁ GAS THƯƠNG HIỆU SAIGON PETRO 7 THÁNG QUA | |||||||||
Nhãn | 1/1 | 1/2 | 1/3 | 1/4 | 1/5 | 1/6 | 1/7 | 1/8 | |
Gas Saigon Petro | đồng/bình 12 kg | 444000 | 460000 | 502000 | 516000 | 485000 | 456000 | 449000 | 430500 |
Nguyên nhân giảm do giá gas thế giới bình quân tháng 8 chốt hợp đồng ở mức 665 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn, điều này dẫn đến giá gas bán lẻ cũng giảm theo tương ứng. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
Thời gian qua, giá xăng, dầu, gas tăng lên mức cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Việc giá gas và xăng dầu có xu hướng giảm liên tục góp phần làm giảm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng. Cùng với đó là giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.