Vào cuối tuần, Li Jingzhi và chồng thường đưa cậu con trai mới chập chững biết đi của họ, Mao Yin, đến sở thú, hoặc đến một trong nhiều công viên ở thành phố Tây An - thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc. Và một trong những chuyến đi chơi thậm chí vẫn còn sống động trong tâm trí người mẹ này.
Hình ảnh bé Mao Yin (Jia Jia) trước khi bị bắt cóc. Ảnh: Li Jingzhi. |
Mao Yin là đứa con duy nhất trong gia đình, tuân thủ chính sách một con của Trung Quốc lúc đó, vì vậy hai vợ chồng không hề có ý định sinh thêm con. Bà Li muốn con trai mình học hành chăm chỉ và thành công, vì vậy gọi con thân mật là Jia Jia, nghĩ là tuyệt vời.
"Jia Jia rất ngoan, thông minh và nhạy cảm. Nó không hề hay khóc. Nó rất sôi nổi và đáng yêu. Chính là kiểu trẻ con mà ai nhìn cũng thích", bà Li chia sẻ.
Li và chồng đưa con đến trường mẫu giáo vào buổi sáng và đón con sau giờ làm việc.
"Mỗi ngày, sau khi tan sở, tôi đều chơi với con", bà nói. "Lúc đó thật hạnh phúc".
Bà Li Jingzhi thời trẻ cùng con trai Mao Yin (Jia Jia). Ảnh: Li Jingzhi. |
Bà Li làm việc cho một công ty xuất khẩu ngũ cốc. Vào mùa thu hoạch, bà thường phải đi công tác trong vài ngày để đến thăm các nhà cung cấp ở nông thôn. Jia Jia ở nhà với bố. Trong một chuyến đi như vậy, bà nhận được tin báo trở về gấp.
Khi Li vội vã trở về Tây An, người quản lý báo cho bà rằng con trai bà đã bị lạc.
"Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng", người mẹ kể lại.
Đó là tháng 10/1988, Jia Jia vừa được hai tuổi tám tháng.
32 năm tìm kiếm bắt đầu
Vào thời điểm đó, cha Jia Jia đang trên đường đưa cậu bé từ lớp mẫu giáo về nhà và dừng ở gần cửa một khách sạn tại Thiểm Tây để mua nước cho cậu. Trong khi đợi nước nguội, ông chỉ lơ đễnh trong vài giây, nhưng ai đó đã mang cậu bé đi mất.
Bà Li tưởng rằng con trai mình sẽ sớm được tìm thấy. Nhưng không có gì xảy ra trong cả tuần sau đó.
Cả gia đình khi đó như lật tung cả thành phố để tìm cậu bé.
Mỗi khi nghe thấy tin về một bé trai nhìn giống Jia Jia, bà đều đến tận nơi để xác thực.
Một ngày, có người gọi cho bà Li nói rằng ông thấy một câu bé rất giống con trai bà ở khu chợ làng. Người mẹ tuyệt vọng nhanh chóng chạy đến ngôi làng để tìm con. Nhưng sau khi đợi đến tận tối, bà mới biết rằng cậu bé đã được gửi về Tây An. Người mẹ ấy lại vội vã quay về.
Những tưởng đã ở rất gần con trai, nhưng hoá ra không phải. Người mẹ không hề bỏ cuộc và dành toàn bộ thời gian và sức lực của mình để tìm kiếm đứa con trai yêu quý.
Truyền đơn tìm kiếm Mao Yin (Jia Jia) nhiều năm trước. Ảnh: Li Jingzhi. |
Trong nỗ lực tìm kiếm con trai, bà Li Jingzhi đã gửi đến 100.000 tờ rơi và đăng tin tìm kiếm trên các tờ báo địa phương. Bà cũng chia sẻ câu chuyện gia đình mình trên rất nhiều chương trình TV.
Mao Yin thậm chí cũng từng xem bà Li nói về sự việc trên TV và nghĩ rằng con trai bà trông giống mình, chứ không hề nghĩ đến cậu chính là người con trai mà bà hằng mong đợi.
Sau đó, 300 người đã đến gặp bà Li, nhưng chẳng có ai là Jia Jia.
Năm 2007, bà Li cũng bắt đầu tham gia một nhóm gọi là "Baby Come Home" (Tạm dịch: Những đứa trẻ về nhà) để thu thập thông tin về những trẻ em mất tích và giúp chúng đoàn tụ cũng gia đình. Trong thời gian làm việc tại đây, bà đã giúp 29 gia đình khác được đoàn tụ.
Jia Jia trở về
Vào tháng 4, ai đó đã báo cho cảnh sát Tây An về trường hợp một người đàn ông nhận nuôi một đứa trẻ ở Tây An nhiều năm về trước. Người đó cũng cung cấp hình ảnh của cậu bé khi đã trưởng thành. Cảnh sát đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trên bức ảnh hồi bé do bà Li cung cấp và mô phỏng diện mạo của cậu khi trưởng thành. Kết quả mô phỏng khá giống với hình ảnh khi trưởng thành của cậu bé kia.
Hai mẹ con trong ngày gặp lại. Ảnh: AFP. |
Cảnh sát thuyết phục cậu thực hiện xét nghiệm ADN, và kết quả cho thấy đây chính là Mao Yin, đứa con bị mất tích mà bà Li Jingzhi đã tìm kiếm suốt 32 năm.
Ngày 18/8 được chọn là ngày đoàn tụ của gia đình bà Li với người con trai đã thất lạc nhiều năm.Jia Jia, giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, lấy vợ và đang điều hành một doanh nghiệp trang trí nhà cửa, đã chạy về phía bà Li "như cách cậu bé năm nào chạy về phía mẹ". Cả gia đình cùng bật khóc đầy xúc động.
Sau cuộc đoàn tụ, Jia Jia dành một tháng ở Tây An với bố mẹ ruột của mình trước khi quay về Thành Đô. Họ vẫn liên lạc với nhau hàng ngày qua Wechat - một ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc.
Người đàn ông báo tin cho bà Li Jingzhi giữ kín danh tính, và cảnh sát cũng không tiết lộ thông tin về bố mẹ nuôi của Jia Jia.
Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ bắt cóc vào năm 1988. Bà Li muốn thấy kẻ làm đảo lộn cuộc sống của bà và con trai và đẩy bà vào 32 năm tìm kiếm trong đau khổ phải bị trừng phạt.
Nạn buôn bán trẻ em ở Trung Quốc
Vào thời điểm Jia Jia mất tích, bà Li không biết rằng buôn bán trẻ em là một vấn nạn ở Trung Quốc.
Chính sách một con được đưa ra năm 1979 nhằm kiểm soát dân số tăng nhanh của Trung Quốc và xoá đói giảm nghèo. Dựa theo chính sách này, các cặp vợ chồng sống ở thành phố chỉ có thể có một con, trong khi những cặp vợ chồng ở nông thôn có thể sinh đứa thứ hai nếu đứa đầu là con gái.
Do đó, những cặp vợ chồng muốn có con trai để nối dõi gia đình và chăm sóc họ khi về già không thể cố gắng sinh thêm.
Số vụ bắt cóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em trai đã tăng mạnh trong thời kỳ này tại Trung Quốc.
Khi tìm được Jia Jia, cảnh sát cho biết cậu bé đã bị bán cho một cặp vợ chồng không có con ở tỉnh Tứ Xuyên với giá 6.000 nhân dân tệ (840 USD ngày nay).
Vào năm 2015, ước tính có khoảng 20.000 đứa trẻ bị bắt cóc mỗi năm ở Trung Quốc. Vào năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở dữ liệu để giúp tìm kiếm hơn 6.000 đứa trẻ bị mất tích. Và vào tháng 5/2016, bộ này đã ra mắt một hệ thống là “Đoàn tụ", giúp 4.000 đứa trẻ tìm thấy cha mẹ, tính đến tháng 6/2019.