New York choàng dậy với màu trời xám xịt và những cơn mưa phùn trái mùa. Thành phố nổi tiếng không ngủ và nhịp sống ồn ào dường như trầm lắng vài cung bậc. Mọi người vẫn đang cố “tiêu hoá” sự thật mà ít người ngờ đến trước đêm qua: Donald Trump, ngôi sao truyền hình thực tế nổi tiếng nước Mỹ, đã được bầu là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, đánh bại cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, một chính trị gia lão luyện.
Bên kia sông Hudson, cô bạn thân từ New Jersey nhắn tin cho tôi: “Tớ không ngủ được cả đêm. Tớ khóc. Tớ uống. Rồi lại khóc và lại uống”.
Rất nhiều người Mỹ vẫn không chấp nhận được sự thật Trump trở thành tổng thống của họ. Ảnh: Thanh Tuấn.
|
Ông bạn dược sĩ già thì chỉ hỏi tôi: “Đây không phải cơn ác mộng chứ?” Buổi sáng đầu tiên sau cơn ác mộng sẽ luôn là thực tại gian khó.
Dọc đường đi, trên tàu điện ngầm, sân ga và từng góc phố, tôi nghe mọi người trao đổi về số liệu thăm dò (từng nói khả năng Hillary thắng là 90%). Họ hỏi nhau tại sao bà Clinton lại thua nhiều bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania, Florida, Wisconsin... Trump sẽ làm tổng thống thế nào? Một bầu không khí không rõ ràng treo lơ lửng trước mắt họ.
Trước Trump Tower, đại bản doanh của vị tỷ phú bất động sản, sự chia rẽ và đối lập của nước Mỹ thể hiện rõ hơn hết.
Chị Kristy Blaine, một nghệ sĩ sống ở New York, đứng lặng, cúi gằm, mắt nhắm nghiền với tấm biển nhỏ đề dòng chữ: “Một số người trong gia đình tôi bỏ phiếu cho Trump. Tôi xin lỗi nước Mỹ”.
Cô gái 32 tuổi giải thích những người thân của cô ở Ohio và Chicago đã bỏ phiếu cho Trump và cô thấy mình có lỗi vì đã không cố gắng thuyết phục họ thay đổi từ trước. “Tôi đã không cố hết sức”, cô nói với Zing.vn.
Kristy Blaine và tấm biển xin lỗi nước Mỹ khi cô đứng trước tòa nhà Trump Tower. Ảnh: Thanh Tuấn.
|
Khoảng 20 bạn trẻ với những tấm biển phản đối như: “Chúng ta không thể ngó lơ sự thù hận, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự coi thường phụ nữ”, “Ông không phải tổng thống của tôi”...
Cách đó 10 m, 5 anh bạn da đen với tấm biển “Black for Trumps” (Người da đen ủng hộ Trump) và nụ cười rất tươi trên mặt. Họ có lý do để mừng với chiến thắng bất ngờ của ông Trump.
Thỉnh thoảng lại có một nhóm người đi qua chỉ vào nhóm bạn trẻ và chửi, “Chúng mày không biết đang nói gì đâu”. Hai bên ngay lập tức lao vào cãi cọ.
Khi tôi đang phỏng vấn một người ủng hộ Trump thì một người ủng hộ Hillary xông vào huých bà một cái: “Đất nước này khốn nạn vì những người như bà”.
Sự chia rẽ của nước Mỹ thể hiện rất rõ trước tòa nhà Trump Tower. Bên cạnh những người Mỹ vẫn ngỡ ngàng vì kết quả mà họ cho là thảm họa thì vẫn có đám đông ủng hộ Trump đang ăn mừng. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Max Kelly, anh chàng luật sư nóng tính, đã khóc nức nở khi nói chuyện với chúng tôi. “Thật đáng sợ là chuyện này xảy ra... Tôi yêu nước Mỹ”, anh nói.
Vẫn còn quá sớm để biết chuyện gì sẽ xảy ra phía trước. Nước Mỹ đã lựa chọn một người chưa từng có kinh nghiệm chính trường để điều hành bộ máy của đất nước siêu cường. Hệ quả điều này với hệ thống quan hệ quốc tế, với các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ không hề nhỏ.
Anh bạn giáo sư của tôi từ California có viết một lá thư ngắn đến cho những người bạn, cám ơn họ vì đã hỏi thăm và an ủi.
Anh viết: “Trong khoảng nửa thế kỷ “chơi” trò chính trị (kiểu như có người chơi tem, chơi cờ, hay chơi thể thao…), tôi vẫn thích cái vận hành lúc lên, lúc xuống của chính trường, hay nói kiểu Mỹ, những cái “adrenaline rush” của mỗi mùa tranh cử”. Nhưng anh thừa nhận ít có bất ngờ nào lớn hơn việc Trump thắng cử.
“Ông giáo về hưu này cám ơn các bạn đã thăm hỏi, chia buồn, ủy lạo … nhưng cũng nhân dịp này cam kết với các bạn là cuộc sống vẫn tiếp diễn và cuộc chơi chính trị chỉ bước sang một hiệp mới”, anh bạn kết luận.