Hàng người dài cả km đang đứng trước mặt tôi tại quảng trường PS 33, khu Chelsea ở quận Manhattan, để đợi bỏ phiếu. Trong ánh sớm ban mai và tiết thu nhẹ, những bước chân lặng lẽ chờ tới lượt. Mỗi người đợi cả tiếng trước khi tới hòm phiếu.
Tám năm trước, hình ảnh hàng dài người đứng đợi trong ánh bình minh mới ló là ảnh bìa của New York Times khi nói về cuộc bầu cử lịch sử đưa Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Hàng người xếp dài ấy vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trên nước Mỹ, nhưng cử tri không còn hào hứng như cuộc bầu cử lịch sử đó. Đây là cuộc bầu cử của chia rẽ, sợ hãi và giận dữ.
“Nếu Trump thắng, mọi thứ sẽ rất tệ hại”, John Angelini, một cử tri Dân chủ ở New York, vừa xếp hàng vừa nói với Zing.vn. 8 năm trước, anh từng là tình nguyện viên cho chiến dịch của Obama và giờ anh muốn tiếp tục các chương trình của ông.
Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu ở bang Pennsylvania. Ảnh: Reuters. |
Những thông điệp chỉ trích lẫn nhau như này giữa hai nhóm cử tri đã trở thành thường lệ của cuộc đua năm nay. Cuộc bầu cử thay vì là sự hào hứng với một ứng viên lại trở thành cuộc đua sợ hãi. Cử tri đi bỏ phiếu vì sợ hãi ứng viên nào đó nhiều hơn.
Hai ứng viên không hoàn hảo
Ông Donald Trump bị chỉ trích là dối trá, phân biệt chủng tộc, coi thường người nhập cư, quấy rối phụ nữ trong khi bà Clinton bị coi là không thành thật, tham nhũng.
Vợ chồng Clinton từ cảnh nợ nần sau khi rời Nhà Trắng (vì các chi phí kiện tụng) chuyển sang kiếm được hơn 235 triệu USD chỉ sau 15 năm khiến vô số cử tri chỉ trích về mối quan hệ đặc biệt của ông bà với giới tài phiệt Wall Street.
Mọi thứ càng tệ hơn với những tiết lộ của Wikileaks, như việc Bill Clinton nhận hàng triệu USD để làm người đứng đầu một trường đại học hay nhận quà triệu USD từ quốc vương Morocco.
Với Donald Trump, chưa từng bao giờ trong lịch sử Mỹ có ứng viên nào nói dối nhiều như vị tỷ phú này. Ông có thể đổi trắng thành đen với rất nhiều phát ngôn và sự việc mà ông từng phát biểu.
Chưa từng có ứng viên tổng thống nào nói dối nhiều như Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Ông gọi người Latin là những kẻ hiếp dâm và tội phạm, xúc phạm người Hồi giáo và vô số những người nhập cư khác ở đất nước vốn được xây dựng bởi người nhập cư. Ông nói với phụ nữ thì “muốn làm gì cũng được”.
Ứng viên của phe Cộng hoà cũng thể hiện khả năng kém kiềm chế mỗi khi bị chỉ trích hay bị chất vấn về những phát ngôn, hành động “có vấn đề” trong quá khứ.
Vợ chồng giáo sư Howard Machtinger và Bennett Trude của Đại học North Carolina khi gặp tôi ở Durham đã nói: “Chúng tôi không thích bà Clinton, nhưng không thể chịu được ông Trump”.
Theo các giáo sư, với những người “bịt mắt” để bỏ phiếu cho Clinton, thì Trump sẽ thảm hoạ cho không chỉ nước Mỹ mà cho cả thế giới. Hãy thử tưởng tượng thế giới sẽ thế nào khi một người bất ổn về tâm lý được nắm nút hạt nhân của Washington?
Sự chia rẽ kinh tế, xã hội
Nước Mỹ đang chia rẽ nặng nề trong cuộc bầu cử này. Cuộc chia rẽ trên cả góc độ kinh tế và xã hội.
Trên góc độ kinh tế, những người lao động da trắng ở các thị trấn nhỏ, đặc biệt những người không bằng đại học đang cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài lề của nền kinh tế. Toàn cầu hoá đối với họ chỉ có lợi cho những kẻ cực giàu chiếm 1% và những người châu Á với Mỹ Latin, nơi việc làm dịch chuyển tới.
Những người da trắng không có bằng đại học gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hoà nhập với nền kinh tế chú trọng công nghệ và những phương thức làm mới hiện tại.
Đảng Cộng hoà vốn có truyền thống ủng hộ các hiệp định thương mại tự do nhưng các cử tri nghèo và thu nhập trung bình của họ không thấy lợi ích từ việc này.
Về mặt xã hội, cơ cấu sắc tộc, giới tính xã hội Mỹ đang dịch chuyển mạnh. Người da trắng từng giữ vị trí chi phối tuyệt đối ở xã hội đang dần trở thành nhóm thiểu số.
Các nhóm thiểu số như da đen, Mỹ Latin và châu Á đang dần trở thành nhóm cử tri ngày càng mang tính quyết định hơn. Phụ nữ ngày càng có nhiều quyền và vị thế. Xã hội cũng tôn trọng hơn đối với quyền của những người đồng giới.
Với nhiều nhóm bảo thủ ở Mỹ, đặc biệt là các nhóm tôn giáo, họ chưa sẵn sàng với điều này. Họ nhìn Trump với những tuyên ngôn bạt mạng như là cách giải quyết đột phá và nhanh chóng cho những thay đổi kinh tế, xã hội họ đang đối mặt.
Cử tri da màu ủng hộ bà Clinton. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đám đông ủng hộ Trump đa phần là da trắng và người già, đám đông của Hillary đông da màu và đa dạng hơn. Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay ngày càng rõ nét với sự đối lập về sắc tộc. Hai phe ở trong hai thế giới khác nhau và họ hoàn toàn không muốn nói hay lắng nghe ý kiến của phe còn lại.
Đám đông của Trump sẽ xem Fox News và quan điểm của kênh này rất đơn giản: Obama là kém cỏi, yếu đuối; phe Dân chủ rất xấu, đặc biệt là Hillary Clinton; phe Cộng hoà là tốt, hầu hết là vậy. Ở phía bên kia thì phần nhiều sẽ coi các đài tả kiểu như MSNBC mà khuynh hướng ngược lại: phe Cộng hoà tồi tệ, Trump là thảm hoạ,...
Phe Cộng hoà bỏ lỡ cơ hội?
Theo lịch sử, tỷ phú Donald Trump lẽ ra phải có lợi thế lớn trong cuộc bầu cử tổng thống này.
Kể từ thời Eisenhower cách đây hơn 60 năm, hầu hết các đảng ở Mỹ chỉ giữ được Nhà Trắng trong 8 năm (trừ ngoại lệ giai đoạn Reagan-Bush cha). Sau hai nhiệm kỳ cùng đảng, cử tri Mỹ thường muốn một sự đổi mới.
Nhưng bản đồ chiến trường đang có lợi cho cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. 18 bang cùng với thủ đô Washington đã liên tục bầu cho phe Dân chủ với tổng số phiếu đại cử tri là 242.
Phe Cộng hoà thắng liên tục 13 bang này từ năm 1992 với tổng số phiếu đại cử tri là 102.
Phe Dân chủ đang chiếm lợi thế 8/11 bang tranh chấp và bà Clinton gần như chắc chắn chỉ cần 28 phiếu nữa là có thể chiến thắng. Đó là lý do mà nếu bà Clinton chỉ cần thắng Florida (29 phiếu) thì cuộc đua về cơ bản đã ngã ngũ. Reuters nói cơ hội thắng của bà Clinton lên tới 90%.
Kết quả của cuộc bầu cử có thể sớm được công bố trong đêm nay. Nhưng sự chia rẽ của nước Mỹ sau cuộc bầu cử này sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể được xóa bỏ.