Tôi bước giữa Times Square nơi hàng ngàn người vẫn đang dán mắt vào màn hình nhìn kết quả từ đài ABC News ngay đó. Mọi người quay ra hỏi nhau, “Họ đã mất những bang nào thêm rồi?” Những ánh mắt thẫn thờ nhìn kết quả các bang đang cập nhật.
Một gia đình từ California đến du lịch New York đang rất buồn bã. Người cha trả lời báo giới, “Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ”. Nước Mỹ đã trải qua một cú sốc không tưởng.
Politico đã gọi đó là “bất ngờ lớn nhất trong lịch sử”, một nhà toán học đoạt giải Fields viết trên Facebook “Khoa học số liệu dính cú sốc lớn”.
Donald Trump sẽ là tổng thống đầu tiên bước vào Nhà Trắng mà không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị, ngoại giao hay quân sự nào cả. Và chắc chắn cả thế giới sẽ bối rối với Tổng thống Donald Trump.
Chuyện gì đã xảy ra?
1. Các thăm dò sai lầm
Đến sáng 8/11, Reuters/Ipsos vẫn dự đoán khả năng thắng của bà Clinton là 90%, Upshot của New York Times từ đầu mùa đến sát giờ bầu cử luôn để tỉ lệ của bà Clinton cao hơn Donald Trump, có lúc lên đến 92%-8%. Trước lúc bầu cử, tỉ lệ này là 84%-12% nghiêng về bà Clinton.
Donald Trump đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11. Ảnh: Reuters |
Sai lầm lớn nhất có lẽ vì các cử tri hiện nay là thế hệ mới hoàn toàn. Cách thăm dò truyền thống bằng gọi điện thoại cố định của các hãng đã không còn chính xác nữa. Lối thăm dò này bỏ qua hoàn toàn những người trẻ mà ngày nay họ sống phần lớn trên mạng xã hội hay gắn chặt đời sống của mình quanh chiếc smartphone.
Đầu năm nay, cách thăm dò truyền thống cũng đã thất bại thảm hại với Brexit cũng như thăm dò về trưng cầu dân ý cho độc lập của Scotland.
Họ đã mất thêm những bang nào rồi?
Những người Mỹ hỏi nhau
2. Các nhóm cử tri 'giấu mặt' của Trump
Giới phân tích nói nhiều về các nhóm cử tri Trump “giấu mặt” hoặc là “số đông im lặng”. Biểu hiện rõ nhất có lẽ là việc nhiều cử tri của Trump ngại không trả lời mình ủng hộ cho ứng viên nhiều bê bối như vậy.
Trao đổi với Zing.vn tại các điểm bỏ phiếu ở các bang tranh chấp, nhiều cử tri bỏ phiếu cho Trump đã lắc đầu từ chối khi hỏi bỏ phiếu cho ai.
3. Nước Mỹ cần sự thay đổi
Nước Mỹ cần thay đổi và các cử tri chán ghét với cách Washington bế tắc trong nhiều năm nay. Họ cần một thay đổi đột phá và cảm thấy một người “bên ngoài” với lối ăn nói bạt mạng, khác thường như Trump có thể mang lại sự thay đổi. Đó là cú đòn mạnh đối với giới thượng tầng ở nước Mỹ.
4. Phân biệt sắc tộc
Nhóm cử tri đông nhất của Donald Trump là nhóm cử tri da trắng và có học vấn thấp ở các vùng nông thôn. Đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất của toàn cầu hoá: những việc làm đơn giản được chuyển đến các nước đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ... trong khi nhóm này không kịp thích nghi với nền kinh tế.
Nhiều người Mỹ đã khóc khi Clinton thất bại. Ảnh: Reuters. |
Họ không thể hoà nhập lại với thế giới của những Facebook, Google, Apple mà ưu tiên thường dành cho giới trẻ, có học. Họ là lực lượng ủng hộ mạnh mẽ nhất của Trump.
5. Những “bất ngờ tháng 10”
Hàng loạt tiết lộ từ Wikileaks đã huỷ hoại danh tiếng của bà Clinton, đẩy thêm sự nghi ngờ của cử tri về độ trung thực cũng như uy tín của bà. Các tiết lộ này phát hiện bà nhận được chỉ dẫn từ bạn thân trong các cuộc tranh luận (gian lận), quỹ Clinton nhận tiền từ vua Morocco và đương nhiên là câu chuyện những bê bối email của bà.
Ngoài ra, cú giáng của FBI liên quan tới vụ email chỉ 10 ngày trước bầu cử cũng đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Phe Trump đã có thêm sinh khí và năng lượng trong cuộc đua vào phút chót.