Thân nhân hành khách MH17 không thể ngăn nỗi xúc động trong buổi lễ tưởng niệm nạn nhân một năm sau thảm kịch tại thành phố Sepang, Malaysia, hôm 11/7. Ảnh: Reuters |
Một năm đã trôi qua kể từ lúc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ khi bay qua khu vực giao tranh ác liệt tại miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi đoàn thiệt mạng.
Thảm kịch và hậu quả của nó gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa ai phải nhận trách nhiệm về vụ việc. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân có rất ít câu trả lời về những chuyện thực sự đã xảy ra.
Một số quốc gia phương Tây và chính phủ Ukraine cáo buộc phần tử ly khai thân Nga hoạt động trong khu vực máy bay Malaysia Airlines bị bắt hạ. Lãnh đạo phiến quân và chính phủ Nga nhiều lần phản bác những cáo buộc này.
Chưa thấy dấu vết của 2 trong 298 nạn nhân
Cho tới nay, đa số gia đình các nạn nhân đã nhận thi thể của những người thân yêu để chôn cất. Tuy nhiên, giới chức nói rằng, họ không tìm thấy dấu vết của 2 trong số 298 người thiệt mạng.
Một trong số họ là công dân Hà Lan Alex Ploeg, 58 tuổi. Anh trai của Alex là Piet Ploeg cho biết gia đình đã phải vật lộn với sự thật rằng họ chưa thể nhận lại thi thể của Alex để chôn cất anh.
"Tôi không thể hiểu được lý do chỉ có hai nạn nhân biến mất. Điều này thật không thể tin được. Tôi không thể hiểu tại sao", Piet nói.
Gia đình đã nhận thi thể vợ của Alex là Edith Ploeg Cuijpers và con trai Robet, 21 tuổi và tổ chức tang lễ cho họ vào tháng 11. Trong tang lễ, họ dành thời gian tưởng nhớ Alex nhưng chỉ có thể trông thấy anh qua ảnh.
"Dù muốn tin rằng, anh trai sẽ trở về nhà. Nhưng sự thực là anh ấy đã không quay về", Piet nói và nhấn mạnh rằng, gia đình anh đã trải qua một năm kinh hoàng trong sự chờ đợi. "Mọi chuyển như thể vừa diễn ra hôm qua. Tôi chỉ mong kẻ gây nên thảm kịch phải chịu trách nhiệm".
"Đó có thể là Nga, chính phủ Ukraine hoặc phe ly khai. Điều quan trọng là giới chức phải tìm ra ai là thủ phạm. Tôi không quan tâm tới người bắn hạ máy bay, mà chỉ cần biết kẻ nào phải chịu trách nhiệm. Đó là tổ chức hay quốc gia nào?", Piet đặt câu hỏi.
Hà Lan là quốc gia có số công dân thiệt mạng lớn nhất trong vụ tai nạn, với 196 người. Những nạn nhân còn lại mang quốc tịch Malaysia, Australia, Anh, Indonesia, Bỉ, Đức, Philippines và Canada. 3 nạn nhân gốc Việt nằm trong số các hành khách xấu số.
Kẻ nào bắn hạ máy bay?
Đội cứu hộ đưa thi thể nạn nhân MH17 lên xe tải để rời khỏi hiện trường vào ngày 19/7/2014 - hai ngày sau tai nạn xảy ra. Ảnh: CNN |
Đó vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi và chưa có lời giải đáp.
Theo CNN, bản báo cáo về quá trình điều tra của giới chức Hà Lan cho biết, họ có bằng chứng cho thấy một tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất đã được phóng từ khu vực do quân ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine vào ngày MH17 gặp nạn.
Tuy nhiên, Moscow phủ nhận cáo buộc. Giới chức nước này khẳng định quân đội chính phủ Ukraine đã bắn hạ máy bay hoặc lực lượng bộ binh nước này phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Hồi đầu tuần, hãng Itar Tass dẫn lời phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Nga, Vladimir Markin, nói rằng, một tên lửa không đối không đã bắn hạ máy bay, chứ không phải tên lửa đất đối không. Ngoài ra, ông Markin cũng khẳng định, đó không phải là vũ khí do Nga sản xuất.
Sẽ có kẻ bị truy tố?
Fred Westerbeke, trường công tố viên Hà Lan đồng thời là người đứng đầu Ủy ban điều tra quốc tế về vụ tai nạn của MH17, cho biết họ đã nhận diện "một số" người phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch. Tuy nhiên, theo ông, hiện tại còn quá sớm để chỉ rõ những kẻ tình nghi.
Theo ông Fred, giới điều tra đang nhìn nhận sự việc theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phần lớn thông tin chỉ ra rằng phi cơ của Malaysia Airlines bị bắn hạ bởi một tên lửa BUK ở miền đông Ukraine.
Trưởng công tố viên Hà Lan cho rằng, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn nhưng ông lạc quan hy vọng có thể sớm đưa vụ việc ra tòa án. Cuộc điều tra do giới chức hàng không Hà Lan dẫn đầu sẽ đưa ra kết luận đầu tiên vào tháng 10 tới.