PGS.TS Đặng Bích Hà cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp năm 1958 tại số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nguồn ảnh: Sách Cô bé nhìn mưa. |
PGS.TS Đặng Thị Hạnh, PGS.TS Đặng Bích Hà đều là con gái của GS Đặng Thai Mai (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam). Gia đình GS Đặng Thai Mai có truyền thống hiếu học, các thành viên trong gia đình đều là trí thức. Một phần cuộc sống của gia đình được kể lại trong cuốn Cô bé nhìn mưa - hồi ký của PGS Đặng Thị Hạnh.
Gia đình có truyền thống hiếu học và tình yêu đọc sách
Theo lời kể của nhà giáo Đặng Thị Hạnh, gia đình bà đã có ba đời đóng góp vào công tác giáo dục. Ông nội là cụ Đặng Nguyên Cẩn sau mấy năm làm Kinh quan, được bổ nhiệm làm giáo thụ ở Hưng Nguyên và về dạy con em trong tỉnh. Ông ngoại là cụ Hồ Phi Huyền là một học giả để lại cho đời những tác phẩm như Nhân đạo quyền hành, Đạm Trai văn tập… Ông cũng từng là thầy giáo và cố giáo sư Đặng Thai Mai là một trong những học trò cưng của cụ.
GS Đặng Thai Mai và con rể cả là Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội, năm 1980. Nguồn ảnh: Sách Cô bé nhìn mưa. |
Giáo sư Đặng Thai Mai, qua hồi ức của con gái - nhà giáo Đặng Thị Hạnh, là người cha rất đỗi gần gũi và thân thương.
Ông không chỉ là một trí thức uyên bác, mà còn luôn quan tâm và giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc nhưng thấu hiểu. Ông truyền cho con niềm say mê học hỏi và tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và văn học.
Qua hồi ký, độc giả thấy được tinh thần giáo dục của GS Đặng Thai Mai, luôn khuyến khích con suy nghĩ độc lập, tự tin và có trách nhiệm với những gì mình làm.
Tất cả con của GS Đặng Thai Mai đều được phong hàm tiến sĩ, phó giáo sư hoặc giáo sư; họ đều lấy chồng là những trí thức, quân nhân có cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đó là: bà Đặng Bích Hà- vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thị Hạnh - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đặng Thanh Lê - vợ của PGS Nguyễn Văn Hoàn, và Đặng Anh Đào - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn.
Qua cuốn hồi ký của PGS Đặng Thị Hạnh, có thể thấy GS Đặng Thai Mai giáo dục các con tình yêu sách. Những trang sách không chỉ là nguồn tri thức, mà còn là nơi trú ẩn, chốn bình yên suốt những năm tháng tuổi thơ và trưởng thành của các cô con gái. "Căn nhà và sách vở vẫn là nơi trú ẩn ưa thích của tôi", trích hồi ký Cô bé nhìn mưa.
Những kỷ niệm về việc đọc sách của bà Hạnh không chỉ gắn liền với những cuốn sách cổ tích Pháp, mà còn mang đậm giá trị tinh thần và văn hóa của một gia đình trí thức. Trong hồi ký Cô bé nhìn mưa, hình ảnh những cuốn sách trở đi trở lại nhiều lần. Đặc biệt là những trang viết về tuổi thơ, khi bà cùng những người chị gái của mình, trong đó có PGS.TS Đặng Bích Hà rong ruổi khắp hiệu sách.
"Ở nhà tôi, sách nhiều vô kể. Chúng nằm trong cái tủ cao có cửa kính của phòng làm việc ba tôi, chúng vương vãi trên bàn làm việc... sau này chúng xâm lấn ở khắp nơi chúng có thể vào được”, em gái PGS Đặng Bích Hà viết.
Sự phong phú của sách vở trong gia đình phản ánh một truyền thống giáo dục đặc biệt. Đây là là nền tảng để nhà giáo Đặng Thị Hạnh và những người chị em của bà phát triển niềm đam mê học tập, nghiên cứu và đọc sách suốt đời.
Những mảnh ghép tuyệt vời trong tuổi thơ các chị em gái
Bên cạnh hình ảnh người cha, hồi ký Cô bé nhìn mưa còn đề cập tới hình ảnh người mẹ - bà Hồ Thị Toan. Phu nhân của GS Đặng Thai Mai luôn hiện lên với hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, tận tụy, luôn lo lắng cho gia đình trong những ngày tháng khó khăn. Bà không chỉ là người giữ lửa cho tổ ấm, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho chồng và các con.
Những kỷ niệm về mẹ trong cuốn hồi ký là những hình ảnh đầy cảm xúc: bàn tay mẹ ấm áp, những bữa cơm gia đình giản dị nhưng đong đầy yêu thương, và cả những lời dặn dò nhẹ nhàng nhưng thấm thía. PGS Đặng Thị Hạnh kể về mẹ mình bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng, như một người phụ nữ âm thầm hy sinh để gia đình vượt qua những thử thách.
GS Đặng Thai Mai cùng vợ và các con. Từ trái sang: Đặng Thị Hạnh, Đặng Bích Hà, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. Ảnh chụp tại Hà Nội năm 1962. |
Ngoài ra, những người chị gái được khắc họa rõ nét trong những trang tâm sự của tác giả Cô bé nhìn mưa. Khi còn nhỏ, bà Đặng Thị Hạnh cùng các chị em chạy ra phố mua những cuốn tạp chí như Lisette, Tuần lễ của Suzette hay những truyện thuộc Tủ sách Hồng dành cho trẻ em.
Đối với họ, những câu chuyện trong Tủ sách Hồng hay sau này là Tủ sách Xanh đã trở thành những cuốn sách quen thuộc, đưa mọi người vào thế giới thần tiên. Chẳng hạn câu chuyện của nữ công tước Ségur vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc, kể về những khó khăn, thử thách mà trẻ thơ phải đối mặt, từ oan ức đến khổ ải, khiến chúng trở nên cuốn hút lạ kỳ.
Sau giờ học, bà và các chị em thường tự đi mua sách và ảnh diễn viên điện ảnh, chơi ảnh của các diễn viên nổi tiếng như Greta Garbo hay Gary Cooper. Các chị em cũng có thói quen ra hiệu sách Taupin ở phố Tràng Tiền vào ngày khai trường để mua sách vở, yêu thích mùi giấy mới và những cuốn vở với dòng kẻ rộng, góc vở xén tròn tinh tế.
Kỷ niệm của họ không chỉ dừng lại ở sách, mà còn bao gồm những lần nhặt hoa gạo đỏ thắm gần Nhà Hát Lớn hay chạy ra hiệu Anpo mua kẹo mút và bánh crackers giòn tan. Những niềm vui đơn giản như nhảy qua rào để hái trộm hoa trong những ngôi nhà Tây tại phố ngách - nay là phố Cao Bá Quát - đã trở thành những mảnh ghép tuyệt vời trong ký ức tuổi thơ của bà.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.