Gia đình 18 thủy thủ Việt mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu
Hàng chục người nhà thuyền viên đang mắc kẹt trên 2 con tàu tại Trung Quốc đang kêu cứu để đưa người nhà của họ về nước.
Sáng 17/7, người thân của 18 thuyền viên hiện đang mắc kẹt trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle tại Trung Quốc đã có mặt tại trụ sở của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) để yêu cầu phía công ty đưa các thủy thủ về nước.
Tháng 11/2012, một lá đơn kêu cứu đã được các các thủy thủ bị bỏ rơi với con tàu thoi thóp không điện, không tiền ăn gửi về Việt Nam. Sea Eagle là con tàu lớn trọng tải hơn 65.000 tấn của công ty TNHH MTV vận tải biển Viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Thế nhưng, vì khó khăn về tài chính từ công ty mẹ những năm qua, con tàu này không được ra khơi chở hàng mà đang phải nằm bất động tại LongShan ShipYard thuộc Liu-heng island, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008. Từ lâu, thủy thủ luôn trong tình trạng ăn bữa sáng lo bữa chiều. Có thời gian tàu vào cầu tránh bão, họ phải đi hái rau ngải, rau sam, rau rệu và đi bắt cáy ven bờ làm thức ăn trước sự ngạc nhiên, thương hại rồi coi thường của dân địa phương. Thủy thủ đã nhiều lần yêu cầu công ty thay thuyền viên để được trở về, nhưng tất cả cũng chỉ là lời hứa chờ đợi với việc thanh toán lương lẫn việc thay thuyền viên. |
Cầm trên tay lá đơn kêu cứu có chữ ký của 18 gia đình thuyền viên, chị Chu Thị Kiên, người nhà của thuyền viên Chu Trọng Cường, người từng thay mặt các thủy thủ mắc kẹt viết “tâm thư” kêu cứu gửi về nước cho biết: “Hiện, em trai tôi đã gần 2 năm chưa được về nhà. Gia đình đã 3 lần kêu cứu lên phía công ty nhưng chưa được giúp đỡ. Ngày hôm qua khi biết các gia đình sẽ tập hợp để lên công ty kiến nghị, các thuyền viên đang mắc kẹt thi nhau gọi điện về để mong chờ một kết quả tốt đẹp”.
Cũng theo chị Kiên, qua cuộc điện thoại liên lạc về với gia đình, thủy thủ Chu Trọng Cường cho biết, anh đang bị mắc kẹt trên tàu Hoa Sen cùng 9 thuyền viên khác. Điện trên tàu đã mất, thức ăn khan hiếm nên cuộc sống hết sức chật vật. Nhiều thuyền viên đang bị mắc bệnh ngoài da, ngứa, dị ứng nhưng không có thuốc chữa.
Cùng trong cảnh tương tự, ông Nguyễn Xuân Thái (SN 1948) người nhà của thuyền viên Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Con trai tôi mỗi lần gọi về nhà đều cho biết điều kiện sống hết sức kham khổ, các thuyền viên hàng ngày không dám đi đâu. Nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tuyệt vọng sau những tháng ngày bị mắc kẹt”.
Chị Phan Thị Bích, người nhà của thủy thủ Phan Văn Thuật (SN 1988) chia sẻ: “Sáng nay em trai tôi có gọi điện về cho biết hiện các thủy thủ đang rất hoang mang, lo lắng vì điện, nước trên tàu đã bị cắt, tàu bị trôi rất nguy hiểm. Đặc biệt, thẻ visa và các giấy tờ đã bị giữ nên không thể đi đâu được. Các thuyền viên xin được về nước nhưng phía công ty không đồng ý”.
18 thuyền viên đang bị mắc kẹt có 9 người trên tàu Hoa Sen và 9 người khác trên tàu Sea Eagle. Hai con tàu trọng tải hơn 65.000 tấn của công ty TNHH MTV vận tải biển Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang nằm tại ShipYard thuộc đảo Liu-heng, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc).
Theo ghi chép trên tàu thì từ tháng 3/2011 đến nay, tàu không hề được sửa chữa bất cứ một bộ phận nào và không còn khả năng hoạt động.
Hiện tại, phía người nhà các thuyền viên đang đợi câu trả lời từ phía lãnh đạo ty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashin.
Hình ảnh ghi nhận sáng 17/7:
Người nhà lo lắng cho số phận các thủy thủ mắc kẹt. |
Viết đơn kêu cứu. |
Nhiều thân nhân gia đình thủy thủ từ tận Thanh Hóa ra Hà Nội. |
Đã gần 2 năm kể từ ngày các thuyền viên thông báo bị mắc kẹt. |
Con trai của thuyền viên Chu Trọng Cường, người đã thay mặt các thuyền viên viết 'Tâm thư" kêu cứu. |
Người nhà kêu cứu trước cổng trụ sở Công ty TNHH MTV Viễn Dương Vinashin. |
Đợi chờ câu trả lời của lãnh đạo Công ty. |
Bản danh sách các thuyền viên mắc kẹt được viết bằng tay. |
Một bức ảnh chụp lại tàu mắc kẹt do thuyền viên Chu Trọng Cường gửi về. |
Lê Tú
Theo Infonet