Giá điện năm 2013 sẽ tăng 7,2%
Theo kế hoạch, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ trả nợ gốc và lãi vay khoảng 30.289 tỷ đồng trong năm 2013 và có lãi, nhưng không nêu con số lợi nhuận cụ thể.
Đây là một trong những nội dung của kế hoạch năm 2013vừa được công bố trong hội nghị tổng kết cuối năm của EVN diễn ra vào chiều ngày 11/1. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và mua của tập đoàn bằng 99,57% kế hoạch, tăng 10,41% so với năm 2011. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ dùng điện trong cả nước đạt 97,5%, trong đó số hộ nông thôn có điện đạt 98%.
Doanh thu bán điện của tập đoàn trong năm 2012 ước đạt 143.419 tỷ đồng, trừ phần bù lỗ lũy kế 3.500 tỷ, mức lãi của EVN là 100 tỷ đồng. Giá điện bình quân là 1.361 đồng/kWh.
Năm 2013, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể lên tới 3,6 tỷ kWh. |
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, Bộ Công thương đã 2 lần tiến hành điều chỉnh giá điện trong năm 2012, vào tháng 12/2011 và 7/2012, nhờ đó, tập đoàn có điều kiện tháo gỡ bớt khó khăn về tài chính, đảm bảo kinh phí cho sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Theo kế hoạch, năm 2013, giá bán điện bình quân của tập đoàn sẽ là 1.459 đồng/kWh, tức là tăng khoảng 7,2% so với năm 2012, để đảm bảo theo đúng giá thị trường và tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển. Khoảng 30.289 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay dự kiến sẽ được EVN thanh toán trong năm 2013, trong khi mục tiêu lợi nhuận cũng được đặt ra nhưng không có con số cụ thể.
Tình trạng thiếu điện có thể xảy ra trong năm nay do mức nước tích được ở các hồ thủy điện cuối năm 2012 thiếu hụt so với mức bình thường, tương đương 1,43 tỷ kWh, tình hình khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên đã xuất hiện cuối năm ngoái và có khả năng trầm trọng hơn trong năm 2013. Khu vực miền Nam có khả năng bị thiếu khí cho phát điện vào tháng 7 và tháng 9, dự kiến sẽ phải huy động trêm 1,8 tỷ kWh chạy dầu, điều này sẽ làm tăng mạnh chi phí của tập đoàn, và gây áp lực tăng giá điện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng tái cơ cấu là biện phát duy nhất và cần kíp để EVN có thể phát triển trong điều kiện cạnh tranh thị trường hiện nay. "Không tái cơ cấu thì không thể phát triển, và việc tái cơ cấu này sẽ còn khó khăn hơn trong giai đoạn cạnh tranh tới. Trong khi cạnh tranh là điều tất yếu, không thể tránh khỏi của ngành điện thì các tồn tại của tập đoàn như quá tải, mất điện, kỷ luật kém....cần đưa lên thành vấn đề báo động, vì nếu không xử lý quyết liệt, chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà, trở thành người làm thuê cho nước ngoài trên chính Việt Nam", phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hạ Minh
Theo Infonet