Thủ tướng: 'Cần minh bạch hơn nữa về giá điện'
Tại buổi họp của Bộ Công Thương sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, EVN cần giải thích rõ hơn vì sao ngành điện lãi vẫn tăng giá bán.
Trong buổi họp trực tuyến tổng kết hoạt động năm 2012 và định hướng 2013 diễn ra sáng nay tại Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch hội đồng thành viên EVN cho biết, năm 2013, nhu cầu điện có thể đáp ứng đủ, dù có thời điểm miền Nam sẽ khó khăn. Trong trường hợp cho phát triển cao hơn, đơn vị này vẫn cam kết phục vụ với mục tiêu giảm tổn thất còn 8,8% năm 2013, phấn đấu 8% năm 2015.
Năm 2012, tổn thất ngành điện là 9%, giảm 0,23% so với 2011. So sánh với các nước khu vực, tổn thất từ điện phổ biến 9,4% (Indonesia), trên 11% (Philipines), 10 (Malaysia), 8% (Trung Quốc)… thì mức tổn thất 9% của EVN trong năm 2012, theo ông Vượng, không đến mức kém, và nên được thông cảm. Năm 2012, EVN cũng tiết kiệm được 1,67 kWh, chạy dầu lỗ 3.000 đồng/kWh, tương đương 5.000 tỷ đồng, song đến 2013, tình hình tài chính được cải thiện, khắc phục, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết.
Giá điện, xăng dầu vẫn theo thị trường, song cần minh bạch. |
Người đứng đầu EVN kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Chính trị chỉ đạo để doanh nghiệp tiết kiệm điện. Vì để hoàn thành lộ trình phát điện cạnh tranh, giá điện nếu tính chi phí đầy đủ sẽ có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu giá bán buôn, bán lẻ cạnh tranh và chi phí đưa vào giá tính đủ chắc chắn sẽ cao hơn, đại diện EVN cho biết. Ông Vượng cũng nêu giải pháp là cần đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án điện, vận hành trước năm 2015, giảm các sự cố, tăng năng suất để giảm giá thành, tái cơ cấu và rà soát mô hình tổ chức sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.
Tại buổi họp trực tuyến, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết, năm 2012, tổng doanh thu tăng 70% so với 2011 còn lợi nhuận đạt 1.058 tỷ đồng nhưng chỉ có 20 tỷ từ xăng dầu, còn lại chủ yếu do các mặt hàng khác. Ông Bảo chia sẻ, năm 2012, giá cả xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến khác nhau dù cơ bản ổn định. Còn thị trường trong nước, việc bình ổn giá kéo dài, đối với doanh nghiệp, là áp lực rất lớn. “Khi giám thuế, giá quốc tế giảm thì chúng ta lại tăng thuế. Do đó, tôi cho rằng nên ổn định thuế khoảng 6-10 năm để giá vận hành theo thị trường”, đại diện Petrolimex nhận định và kiến nghị nên ổn định thuế và cố quy định số tuyệt đối để giúp doanh nghiệp và ngân sách. Với kiến nghị này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, sẽ rà soát lại Nghị định 84.
Tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ý kiến, mục tiêu đặt ra cho năm 2012 cơ bản thực hiện được, bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Về phía doanh nghiệp nhà nước nói chung và thuộc Bộ Công thương nói riêng, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, về cơ bản cũng đã tái cơ cấu, nâng cao năng hiệu quả quản trị để nâng kết quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng cũng cho rằng, công nghiệp nước ta còn nhiều mặt hạn chế, chẳng hạn như năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và nặng về gia công, chiến lược quy hoạch, chất lượng, hiệu quả thấp. Về kế hoạch cho năm 2013, Thủ tướng cho biết cơ bản đồng tình, song nhấn mạnh thêm, cần tập trung tháo gỡ khó khăn vì điều này vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa lâu dài để thúc đẩy kinh doanh hỗ trợ thị trường. Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, lương thực thực phẩm tiếp cận tín dụng. Riêng vấn đề giá và chất lượng hàng hóa, ông cho biết, cần làm tốt công tác quản lý thị trường, cung ứng đủ hàng đặc biệt dịp Tết để kiểm soát được giá cả.
Với giá điện, Thủ tướng chỉ đạo cần minh bạch, công khai hơn nữa. Mặt khác, cần giải thích rõ về việc ngành điện lãi nhiều nhưng giá vẫn tăng, cần tiết kiệm bằng cách giảm tiêu hao, và cần đáp ứng đủ điện cho đất nước, sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt của nhân dân, đi kèm với đó là chất lượng điện. Còn về xăng dầu, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần tiếp tục kiên trì theo giá trị trường nhưng phải minh bạch, làm sao đừng để những vấn đề không đáng thành vấn đề bức xúc, nhất là bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh nhiều, nhưng Petrolimex chiếm thị phần chủ yếu.
Hoàng Anh
Theo Infonet