Theo dữ liệu của Trading Economics vào rạng sáng 10/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã tăng vọt 4,06% so với ngày giao dịch cuối tuần trước lên 98,29 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất hơn 1 tháng.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ đã chính thức vượt ngưỡng quan trọng 90 USD/thùng. Giá tăng gần 5% lên 93,2 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối tháng 8.
"Thị trường dầu được hỗ trợ bởi quyết định của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) và báo cáo của EIA (Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ)", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda bình luận với Zing.
Cùng với đó, Moscow vừa cảnh báo sẽ không bán dầu cho những quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga, do Washington lãnh đạo. Điều này đe dọa thắt chặt nguồn cung dầu hơn nữa.
Giá dầu WTI và Brent vốn đã đi lên trước cuộc họp của OPEC+. Đà tăng được kéo dài sau khi tổ chức này thông báo cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Ảnh: Trading Economics. |
Đồng loạt nâng dự báo
"Đợt cắt giảm mới nhất của OPEC+ có thể là nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng trở lại mức 100 USD/thùng", ông Stephen Brennock - nhà phân tích về dầu tại công ty môi giới dầu PVM - bình luận.
UBS Global Wealth Management cũng dự báo giá dầu Brent sẽ một lần nữa vượt mốc 100 USD/thùng trong những quý tới.
Trong khi đó, Goldman Sachs nâng dự báo đối với giá dầu sau động thái của OPEC+. Ngân hàng đầu tư Phố Wall cho rằng giá dầu Brent sẽ đạt 104 USD/thùng trong năm nay và 110 USD/thùng vào năm 2023.
Đợt cắt giảm mới nhất của OPEC+ có thể là nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng trở lại mức 100 USD/thùng
Ông Stephen Brennock - nhà phân tích về dầu tại công ty môi giới dầu PVM
"Đã có rất nhiều đồn đoán về quyết định của OPEC+ trước cuộc họp của nhóm", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao ở London - bình luận với Zing. Ông cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
"Thêm vào đó, một số nước có thể tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Điều này có thể làm giảm đáng kể nguồn cung và đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng", vị chuyên gia cảnh báo.
Tuyên bố cắt giảm của OPEC+ được đưa ra trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga, và đe dọa thắt chặt thị trường dầu toàn cầu.
Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais cho biết việc cắt giảm mục tiêu sản lượng sẽ giúp OPEC+ có thêm nguồn cung để khai thác nếu xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Đi lên bất chấp rủi ro suy thoái
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng về động thái của OPEC+. Ông và các quan chức Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc những biện pháp để ổn định giá dầu.
Nhưng theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm xuống 602 trong tuần trước. Lạm phát tăng cao buộc các nhà sản xuất phải chi nhiều tiền hơn đối với trang thiết bị và đảm bảo cho người lao động.
Trong khi đó, báo cáo của EIA (Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 1,356 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp và là mức giảm lớn nhất trong vòng 5 tuần.
"Giá dầu kỳ hạn có xu hướng tăng lên, dù lạm phát trên khắp châu Âu và Mỹ đang đe dọa tạo ra một cuộc suy thoái toàn cầu, vốn sẽ tác động mạnh đến nhu cầu dầu", các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates nhận định.
Còn ở châu Âu, để đối phó với giá năng lượng tăng cao, EU có thể áp dụng mức giá trần đối với khí đốt. Tuy nhiên, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối cách làm này vì lo ngại về an ninh nguồn cung.
Phía Moscow đã dừng gần như toàn bộ dòng khí đốt chảy sang Tây Âu qua các đường ống. Trước đây, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU.