Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới tuột dốc

Dầu thô WTI chuẩn Mỹ có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Phớt lờ những lo ngại về nguồn cung, giới đầu tư năng lượng bán tháo dầu vì nỗi sợ suy thoái.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) đã giảm một mạch xuống hơn 91 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn 6 tháng.

Trong khi đó, giá dầu WTI (chuẩn Mỹ) giảm về hơn 85 USD/thùng, ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 26/1. Tính đến 17h15, giá giao dịch của hai loại dầu này đều đã phục hồi hơn 2 USD/thùng.

Dầu thô thế giới mất giá ngay cả khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu. Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế nhận định triển vọng u ám của những nền kinh tế lớn vẫn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu.

gia dau the gioi anh 1

Mức tăng của dầu WTI kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đã bị xóa sạch. Ảnh: Trading Economics.

Rủi ro với kinh tế toàn cầu

"Các nhà đầu tư năng lượng ồ ạt bán tháo khi triển vọng đối với nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn có khả năng giảm xuống. Việc Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với Covid-19 là một trong những nguyên nhân chủ yếu", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - chia sẻ.

"Triển vọng kinh tế toàn cầu đang rất u ám và điều này không tốt cho giá dầu", ông nói thêm.

"Đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ không đủ lớn để xoa dịu nỗi lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu", vị chuyên gia nhận định.

Kinh tế Trung Quốc đang chao đảo vì các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản. Vào quý II, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với một năm trước đó.

Đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ không đủ lớn để xoa dịu nỗi lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Những số liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy hoạt động của các nhà máy đang suy giảm, tăng trưởng tín dụng giảm tốc đáng kể, doanh số bán lẻ lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc - do Caixin công bố - đã giảm từ 55,5 điểm trong tháng 7 xuống 55 điểm vào tháng 8.

Hôm 4/9, Trung Quốc gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Kể từ ngày 1/9, hơn 21 triệu cư dân ở Thành Đô đã được yêu cầu "ở nhà theo quy định".

Thành Đô hiện chiếm 1,7% GDP của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ và hãng sản xuất xe lớn như Toyota Motor và Volkswagen Group China.

Ngoài Thành Đô, một số thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt các hạn chế để chống dịch.

Khi các hoạt động di chuyển, vận tải và sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn, nhu cầu dầu tại đất nước tỷ dân - thị trường dầu hàng đầu thế giới - được dự báo sẽ lao dốc. Theo số liệu chính thức, lượng xăng nhập khẩu trong tháng 7 của Trung Quốc đã sụt giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Trung Quốc là ẩn số lớn nhất đối với diễn biến trên thị trường dầu thô toàn cầu", ông Moya thừa nhận.

Động thái của OPEC+ phản tác dụng

Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung euro đang trượt tới bờ vực suy thoái. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng vọt sau khi gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom thông báo tạm dừng hoạt động của Nord Stream 1 vô thời hạn.

Việc Nord Stream 1 bị đóng cửa vô thời hạn đã khiến giá trị đồng euro rơi xuống mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD. Đồng bảng Anh cũng giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ tác động nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế và thu ngân sách của chính phủ.

Giá tăng cao sẽ buộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu phải giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, khi chi phí được chuyển sang cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.

gia dau the gioi anh 2

Việc cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày của OPEC+ không đủ để giữ giá dầu ở mức cao. Ảnh: Reuters.

Khi nhu cầu năng lượng tăng vọt vào mùa đông, các yếu tố tiêu cực có thể cùng lúc giáng đòn vào nền kinh tế toàn cầu. "Giá dầu thô thường lao dốc trong những cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và lần này cũng sẽ không ngoại lệ", nhà báo Clyde Russell của Reuters.

Việc OPEC+ cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10 thậm chí còn làm tình hình càng thêm tồi tệ.

"Vấn đề nằm ở chỗ nếu OPEC+ quyết tâm giữ giá dầu trên 90 USD/thùng, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái do giá năng lượng quá cao", ông Russell cảnh báo.

"Nếu cố duy trì giá ở mức này bằng cách hạn chế nguồn cung, OPEC+ chỉ đang gây ra một cuộc suy thoái sâu hơn, dài hơn đối với kinh tế toàn cầu", ông nói thêm.

Châu Âu trả giá đắt để đối phó với khủng hoảng năng lượng

Khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang ngày càng phình to, đẩy châu lục này tới bờ vực suy thoái. Các chính phủ buộc phải chi hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Thách thức của phương Tây khi trừng phạt dầu Nga

Các nước G7 đã nhất trí về kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu của Nga. Nhưng quá trình triển khai còn nhiều thách thức, thậm chí có thể dẫn tới việc phản tác dụng.

Bạn có thể quan tâm