Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 13/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu ở mức 99,64 USD/thùng, đánh dấu ngưỡng thấp nhất kể từ ngày 11/4. Trong khi đó, dầu WTI được giao dịch quanh mốc 96 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng.
Giá dầu thế giới bước vào đà lao dốc mạnh từ phiên giao dịch ngày 12/7. Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế giải thích những lo ngại về một cuộc suy thoái tại các nền kinh tế lớn đã tạo sức ép lên giá dầu, ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm.
"Giá dầu lao dốc mạnh do triển vọng nhu cầu sụt giảm sau lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Bóng ma suy thoái đang bao trùm lên châu Âu. Giới đầu tư cũng sợ rằng Thượng Hải sẽ bị phong tỏa một lần nữa", vị chuyên gia nói thêm.
Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu lao dốc mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Nỗi lo suy thoái
Hôm 12/7, WHO cảnh báo dịch Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch "chưa có dấu hiệu chấm dứt". Ông nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 vẫn đang tự do lưu hành và các nước không quản lý tốt gánh nặng bệnh tật dựa trên năng lực của mình.
"Nếu không có sự gián đoạn nguồn cung lớn, giá dầu có thể vẫn duy trì dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong một thời gian, cho đến khi triển vọng nhu cầu được cải thiện", ông Moya dự báo.
"Hiện tại, Trung Quốc có thể áp dụng các lệnh phong tỏa một lần nữa. Châu Âu đang gấp rút hạ nhiệt nhu cầu dầu và có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang giảm tốc tăng trưởng khá nhanh", vị chuyên gia nói thêm.
Giới đầu tư cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ lao dốc mạnh nếu một cuộc suy thoái xảy ra. Ảnh: Reuters. |
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.
Trong khi đó, lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu. Tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura dự báo cả Mỹ và các nền kinh tế khu vực đồng euro đều suy yếu 1% trong năm 2023. Nhưng tại châu Âu, cuộc suy thoái có thể sâu rộng hơn nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới khối này.
Theo các nhà phân tích của Citigroup, dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra.
Phớt lờ lo ngại về nguồn cung
Nỗi sợ suy thoái đã vượt qua lo ngại về nguồn cung. Thị trường dầu hạ nhiệt ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn bị thắt chặt. Báo cáo mới nhất của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) chỉ ra nhu cầu đang tăng nhanh hơn nguồn cung.
Cụ thể, theo báo cáo của OPEC, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 3,36 triệu thùng/ngày trong năm nay và 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. OPEC cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định và những tiến bộ trong việc kiểm soát dịch ở Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu thụ dầu mỏ.
Cuối cùng, khi nỗi sợ suy thoái qua đi, các nhà giao dịch sẽ chuyển sự chú ý sang tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu trong năm 2023
Chuyên gia tài chính Edward Moya
OPEC dự báo nguồn cung ngoài OPEC tăng 1,7 triệu thùng/ngày. Do đó, trong năm 2023, thế giới sẽ cần 30,1 triệu thùng/ngày từ các nước thành viên để cân bằng thị trường, tăng 900.000 thùng/ngày so với năm 2022.
Đó là một con số lớn. Bởi đến nay, các nước thành viên OPEC vẫn chật vật trong việc đáp ứng mục tiêu sản lượng dầu thô.
"Cuối cùng, khi nỗi sợ suy thoái qua đi, các nhà giao dịch sẽ chuyển sự chú ý sang tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu trong năm 2023", ông Moya bình luận.
"Giá dầu sẽ một lần nữa vượt ngưỡng 100 USD/thùng", vị chuyên gia nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - cho rằng những lo ngại về suy thoái đã đè nặng lên giá dầu, ngay cả khi nguồn cung dầu vẫn không theo kịp nhu cầu.
"Khoảng cách cung - cầu trên thực tế sẽ giữ giá dầu thô ở mức cao. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể muốn thay đổi điều đó trong chuyến thăm tới Saudi Arabia vào cuối tuần", ông Erlam nói thêm.
Thông qua chuyến thăm các lãnh đạo vùng Vịnh, tổng thống Mỹ hy vọng những quốc gia thành viên OPEC sẽ giải phóng năng lực sản xuất dư thừa. Saudi Arabia và UAE là 2 thành viên hiếm hoi của OPEC có năng lực sản xuất dư thừa lớn.