Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới lao dốc không phanh

Giá dầu thô thế giới rơi thẳng đứng sau khi các số liệu chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc. Điều này có thể thu hẹp chênh lệch cung cầu thế giới.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới bất ngờ rơi thẳng đứng. Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm từ hơn 100 USD/thùng xuống 93,3 USD/thùng. Sau một ngày, giá đã giảm 4,79 USD/thùng, tương đương 4,89%, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2.

Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ rơi thẳng đứng xuống 87,7 USD/thùng, mất mốc 90 USD/thùng vừa lấy lại cách đây 5 ngày. So với một ngày trước đó, giá dầu WTI đã sụt giảm 4,53%.

Đây cũng là ngưỡng giá thấp nhất của dầu WTI kể từ hồi giữa tháng 2. Như vậy, toàn bộ mức tăng sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine đã bị xóa sạch.

Theo AAA Gas Prices, giá xăng tại Mỹ đã lao dốc xuống 3,956 USD/gallon, giảm mạnh từ mức đỉnh hơn 5 USD/gallon hồi tháng 6.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng những số liệu kém khả quan của kinh tế Trung Quốc đã đè nặng lên thị trường dầu.

gia dau anh 1

Giá dầu WTI rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2, trước khi Nga đổ quân vào Ukraine. Ảnh: Trading Economics.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng

"Lo ngại suy thoái đã đè nặng lên triển vọng nhu cầu", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh - bình luận với Zing.

"Các số liệu kinh tế trong tháng 7 của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại, buộc giới chức nước này phải vào cuộc", ông giải thích.

Theo vị chuyên gia, nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ chịu sức ép lớn nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.

Nếu số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên, đà giảm trên thị trường dầu sẽ nghiêm trọng hơn nữa

Nhà phân tích thị trường Craig Erlam

"Nếu số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên, đà giảm trên thị trường dầu sẽ nghiêm trọng hơn nữa", ông cảnh báo.

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này đã tăng 3,8%, thấp hơn mức dự báo và tốc độ tăng của tháng 6.

Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ và chỉ số đầu tư tài sản cố định cũng tăng thấp hơn kỳ vọng.

Trong tháng 8, đảo Hải Nam - nơi được mệnh danh là "Hawaii phương Đông" - ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng. Chính quyền địa phương đã hoãn các chuyến bay và dừng hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh để dập dịch.

Trong khi đó, các nhà sản xuất từ quần áo đến đồ gia dụng tại Trung Quốc đều ghi nhận số lượng đơn hàng từ nước ngoài sụt giảm.

Theo giới quan sát, sự suy yếu của hoạt động di chuyển, vận tải và sản xuất ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu sẽ tác động đáng kể tới thị trường toàn cầu.

Thu hẹp khoảng cách cung - cầu

Hôm 11/8, OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa) đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.

Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được nhóm đưa ra là tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

Đây là lần hạ dự báo thứ 3 của OPEC kể từ tháng 4 tới nay.

Giới đầu tư cũng lạc quan về nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu. Hôm 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhận định có cơ hội để khôi phục thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) nếu "lằn ranh đỏ" của Tehran được tôn trọng.

Ông này khẳng định việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran không chỉ mang lại lợi ích cho Tehran, mà còn giúp ích đối với những nền kinh tế và nguồn cung năng lượng toàn cầu.

"Nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận, dầu thô thế giới có thể rơi xuống dưới 90 USD/thùng và duy trì ở mức này", ông Erlam bình luận.

gia dau anh 2

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu rơi thẳng đứng trong ngày 15/8. Ảnh: Trading Economics.

Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường chỉ có thể chắc chắn khi thỏa thuận được ký kết xong.

Mới đây, Saudi Aramco - gã khổng lồ dầu mỏ của Saudi Arabia - cũng cho biết đang nỗ lực nâng công suất từ 12 triệu thùng dầu/ngày lên 13 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027.

Saudi Arabia và các quốc gia thành viên OPEC+ đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt giá cả.

Trong báo cáo thu nhập quý II được công bố hôm 14/8, Aramco cho biết "điều kiện thị trường thuận lợi" đã giúp thu nhập ròng của tập đoàn tăng từ 25,5 tỷ USD trong quý II/2021 lên 48,4 tỷ USD vào quý II năm nay. Con số này vượt xa ước tính của giới quan sát.

Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, giá vàng lập tức tăng vọt

Trong tháng 7, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, nhưng đã thấp hơn 2 tháng trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng trên toàn quốc giảm mạnh.

'Người sống dưới hầm' ở Hàn Quốc: Tôi không còn nơi nào để đi

Seoul tính cấm xây dựng và loại bỏ dần những căn nhà bán hầm. Nhưng với nhiều người nghèo, căn nhà ẩm thấp, thiếu an toàn dưới lòng đất là lựa chọn duy nhất của họ.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm