Giá dầu thế giới quay trở lại đà tăng sau chuỗi ngày hạ nhiệt ngắn ngủi. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá hai loại dầu là WTI và Brent đều được giao dịch trên 100 USD/thùng.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,57% lên 108,2 USD/thùng trong khi dầu WTI tăng 1,8% lên 104,8 USD/thùng. Tuy vậy, giá dầu so với phiên cùng kỳ tuần trước vẫn thấp hơn trên dưới 4%.
Giá dầu thế giới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần và cùng hạ xuống dưới 100 USD/thùng từ ngày 15-16/3. Tuy nhiên, từ ngày 17, giá loại năng lượng này quay đầu và bật tăng.
Giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh tuần nếu vượt qua mốc 109 USD/thùng trong hôm nay. Ảnh: Trading Economics. |
Theo Bloomberg, việc giá dầu tăng trở lại xuất phát từ những nghi ngờ của Điện Kremlin đối với tiến độ đàm phán hòa bình với Ukraine.
Ngoài yếu tố chiến tranh, thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa lớn để phòng chống Covid-19 của Trung Quốc. Việc thanh khoản sụt giảm khiến giá dầu dễ rơi vào biến động lớn.
Việc Nga đưa quân vào Ukraine đã gia tăng tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia, cản trở kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch của chính phủ và ngân hàng trung ương sở tại.
Mới đây, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) phê duyệt đợt tăng lãi suất đầu tiên thêm 0,25% để giải quyết lạm phát, vốn ở giai đoạn tồi tệ nhất trong hơn 4 thập kỷ. Chính phủ Anh hôm 17/3 cũng có động thái tương tự và tăng lãi suất thêm 0,25%.
Về nguồn cung, Libya hôm 16/3 cho biết OPEC nên tăng cường sản xuất để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Chia sẻ với Thủ tướng Nhật Bản một ngày sau đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng bày tỏ mong muốn duy trì sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ.
Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã tăng hơn 5 USD/thùng trong 16 phiên liên tiếp. Khoảng thời gian biến động dài nhất từ trước đến nay.
Tình trạng nhà đầu tư bị thanh lý khiến số lượng nắm giữ cổ phần WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 trong khi dầu Brent ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.