Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thô thế giới trong ngày 15/3 tiếp tục đi theo xu hướng giảm. Loại năng lượng này bắt đầu biến động mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, việc hai quốc gia tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán đã thúc đẩy những hy vọng về một thỏa thuận mới, từ đó hạ nhiệt giá dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm hơn 5 USD xuống còn 101,9 USD/thùng, tương đương 4,68%. Dầu WTI giảm 4,74 USD xuống còn 98,28 USD/thùng, tương đương 4,6%. Đây đều là mức giá thấp nhất tính từ đầu tháng 3 đến nay.
Giá dầu thế giới xuất hiện động thái quay đầu điều chỉnh từ hôm 9/3 khi giảm hơn 15 USD/thùng xuống ngưỡng dưới 115 USD/thùng. Trước đó, giá hai loại dầu đều dao động trên dưới 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trong vòng 7 ngày qua, giá hai loại dầu đã giảm trên 20%. Tuy nhiên, xét cả năm, giá dầu vẫn tăng trưởng trên 50%.
Giá dầu quay về ngưỡng cuối tháng 2. Ảnh: Trading Economics. |
Bên cạnh dầu thô, nhiều loại nhiên liệu khác trên thế giới như khí tự nhiên, dầu sưởi, than, xăng cũng đi theo xu hướng giảm.
Tương tự, giá vàng thế giới đã giảm 16,7 USD xuống còn 1.934 USD/ounce. Hành động giá của kim loại quý có sự tương quan với giá dầu khi cùng giảm đột ngột trong ngày 9/3. Trước đó, giá vàng từng đạt 2.048 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Đáng chú ý, chứng khoán châu Á trong phiên mở cửa hôm nay ghi nhận sự sụt giảm của hàng loạt chỉ số, đặc biệt ở khu vực Trung Quốc.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 718 điểm, tương đương 3,68%; SSE của Thượng Hải giảm 83,17 điểm, tương đương 2,59%; SZSE của Thâm Quyến giảm 159,02 điểm, tương đương 1,32%.
Ngoài ra, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,21% trong khi Topix tăng 1,06%; Kospi của Hàn Quốc giảm 0,58%; S&P/AXS 200 của Australia giảm 0,73%.
Theo CNBC, dù Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế vượt xa kỳ vọng, việc nhiều cổ phiếu hàng đầu của quốc gia này trên sàn Mỹ có khả năng bị hủy niêm yết đã thúc đẩy làn sóng bán tháo. Cổ phiếu của Alibaba giảm 6,74%, JD.com giảm 5,17%, NetEase giảm 3,38%, Nio giảm 7,08%.
Tâm lý rủi ro về cổ phiếu công nghệ Trung Quốc xuất hiện sau khi có thông tin Tencent phải đối mặt với án phạt vì vi phạm quy tắc chống rửa tiền.
“Những thông tin về khoản tiền phạt kỷ lục đối với Tencent vì vi phạm quy định rửa tiền đã dấy lên những lo ngại rằng cuộc đàn áp không rõ ràng của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ chưa kết thúc”, Vishnu Varathan, chuyên gia tại Ngân hàng Mizuho, cho biết.
Đà sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc trong ngày 14/3 còn thổi bay hơn 52 tỷ USD giá trị tài sản của 78 tỷ phú hàng đầu nước này.