Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu liên tục giằng co

Giá dầu đi lên khi Mỹ bước vào mùa lái xe cao điểm và nguồn cung vẫn eo hẹp. Tuy nhiên, giá không tăng mạnh vì triển vọng kinh tế u ám tại 2 nền kinh tế hàng đầu.

Thị trường dầu giằng co trong những ngày qua. Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 23/5 (tính theo giờ Việt Nam), giá dầu West Texas Intermediate (WTI) - được khai thác từ các mỏ dầu tại Mỹ - ở mức 111,25 USD/thùng, tăng 0,97 USD/thùng (0,89%) so với 24 giờ trước đó.

Giá dầu WTI tăng lên sát ngưỡng 114 USD/thùng hôm 21/5, rồi lao dốc hơn 3 USD/thùng vào ngày sau đó, trước khi bật tăng nhẹ trong ngày giao dịch đầu tuần.

Còn dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu được giao dịch ở mức 113,64 USD/thùng, tăng 1,09 USD/thùng (0,97%) so với một ngày trước đó. Như vậy, giá dầu thô Brent đã nhỉnh hơn giá dầu Mỹ sau nhiều ngày rơi xuống ngưỡng thấp hơn. Đây vốn là điều bất thường bởi dầu WTI thường rẻ hơn dầu Brent.

Gia dau anh 1

Giá dầu WTI liên tục trồi sụt trong những ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap.

Thị trường giằng co

"Giá dầu tăng cao hơn do nguồn cung của các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở Mỹ liên tục bị thắt chặt. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng có khả năng thúc đẩy giá", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng nghiên cứu Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - giải thích với Zing.

Đồng quan điểm, ông Stephen Innes tại SPI Asset Management cho rằng giá dầu được đẩy cao trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn eo hẹp, còn nhu cầu tăng cao vào mùa lái xe cao điểm của Mỹ.

"Các nhà máy lọc dầu thường phải tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu mạnh của những tài xế Mỹ", ông nói thêm.

Mùa lái xe cao điểm của Mỹ thường bắt đầu vào Lễ Chiến sĩ trận vong (ngày thứ 2 cuối cùng trong tháng 5 hàng năm) và kết thúc vào Ngày Lao động diễn ra trong tháng 9.

Theo các nhà phân tích, bất chấp những lo ngại về việc giá nhiên liệu tăng cao, dữ liệu của TomTom và Google chỉ ra nhu cầu di chuyển đã tăng cao trong những tuần qua.

Gia dau anh 2

Cung không theo kịp cầu đã khiến giá dầu WTI tăng mạnh, có thời điểm vượt giá dầu Brent. Ảnh: CoinMarketCap.

Nhu cầu tại Mỹ tăng cao là lý do khiến giá dầu WTI tăng mạnh, có thời điểm vượt giá dầu Brent. Thêm vào đó, châu Âu đã chuyển hướng khỏi nguồn cung dầu Urals của Nga. Việc này làm các nước đổ xô tìm nguồn cung thay thế, từ đó đẩy giá dầu Mỹ lên cao.

Hơn nữa, các nhà máy lọc dầu không thể ngay lập tức tăng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Ở Mỹ, công suất lọc dầu đã giảm trong những năm qua. Philadelphia Energy Solutions - khu phức hợp lọc dầu lớn nhất Bờ Đông nước Mỹ - phải đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn hồi tháng 6/2019.

Một số nhà máy lọc dầu cũng đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ, vốn đã quá hạn sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Các cơ sở này thường hoạt động hết công suất - 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.

Sức mạnh của đồng USD sụt giảm cũng là nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao. Bởi điều này khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Một số trở ngại

Tuy nhiên, nói với Zing, ông Halley chỉ ra giá dầu Brent đã tăng trở lại và một lần nữa vượt giá dầu WTI. "Có lẽ cơn sốt đối với dầu diesel và xăng của Mỹ đã chạm đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt", vị chuyên gia nhận định.

"Triển vọng phục hồi không mấy khả quan của nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng đã cản trở đà tăng", ông Halley nhận định.

Theo ông, triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hỗ trợ giá dầu, nhưng nguy cơ giảm tốc tăng trưởng lại làm xói mòn nhiệt lượng cho đà tăng giá.

Triển vọng phục hồi không mấy khả quan của nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã cản trở đà tăng

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng nghiên cứu Asia Pacific OANDA

Nhu cầu dầu trên toàn cầu bị đè nặng bởi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn, ngay cả khi Thượng Hải có thể mở cửa trở lại vào đầu tháng 6.

Các đợt phong tỏa gắt gao ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tới sản lượng công nghiệp và xây dựng, thúc đẩy những biện pháp hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc, bao gồm việc cắt giảm lãi suất thế cấp hơn hơn dự kiến.

Theo dữ liệu chính thức, sản xuất công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, sau khi tăng 5% vào tháng 3. Sản lượng trong lĩnh vực ôtô giảm 43,5% bởi các đợt bùng dịch ở Thượng Hải và những vùng lân cận.

"Các lệnh phong tỏa liên quan đến Covid-19 là một lực cản lớn đối với nhu cầu ở Trung Quốc, ngay cả khi nhu cầu tại những nước khác đang tăng cao", các nhà phân tích của ANZ nhận định.

"Chúng tôi hy vọng các hoạt động công nghiệp sẽ được khôi phục nhờ những biện pháp thúc đẩy kinh doanh", nhóm chuyên gia nói thêm.

Thêm vào đó, việc Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm đối với dầu thô Nga khiến giá dầu không thể tăng mạnh.

"Tôi cho rằng giá dầu thô Brent sẽ dao động quanh vùng 110-117 USD/thùng trong tuần này", ông Halley dự báo.

Apple muốn dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

Apple đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc từ trước dịch. Những gián đoạn vì làn sóng Covid-19 mới thôi thúc nhà sản xuất iPhone tính đến các lựa chọn khác.

Vì sao thị trường dầu bị đảo lộn?

Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm