Theo dữ liệu của Trading Economics tối 14/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI bất ngờ lao dốc 8,08% so với 24 giờ trước đó xuống 101,27 USD/thùng. Trong vòng 7 ngày qua, giá đã sụt giảm 7,39%. Còn giá dầu thô Brent giảm 7,78% so với một ngày trước đó còn 104,86 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 7% sau một tuần.
Giải thích với Zing, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore) cho rằng thị trường dầu sụt giảm bởi những hy vọng về thỏa thuận giữa Nga và Ukraine.
Cụ thể, thành viên của đoàn đàm phán Nga Leonid Slutsky tin rằng những "tiến bộ đáng kể" trong các cuộc đàm phán có thể giúp Moskow và Kyiv sớm đạt thỏa thuận.
Giá dầu thô thế giới bất ngờ giảm mạnh. Ảnh: Reuters. |
Bất ngờ lao dốc
Nói với tờ báo Nga Kommersant, ông Mikhail Podolyak - cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine - cũng cho biết hai bên đang tiến tới thỏa hiệp. Tuy nhiên, ông dùng từ "khó khăn" để mô tả cuộc đàm phán.
Hôm 12/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã "có cách tiếp cận khác" trong các cuộc thảo luận mới nhất nhằm chấm dứt xung đột. Trước đó, theo TASS, Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định những "biến chuyển tích cực" trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Jeffrey Halley, việc Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến cũng làm giảm kỳ vọng tăng trưởng của nước này, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng lao dốc.
Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng trên cả nước.
Giá dầu lao dốc sau khi Trung Quốc phong tỏa thành phố 17 triệu dân Thâm Quyến. Ảnh: Reuters. |
Hôm 14/3, các cư dân của tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Tỉnh Cát Lâm có 24 triệu dân. Thành phố Trường Xuân của tỉnh là một trong các trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ôtô hàng năm trên toàn quốc. Thành phố đã bị phong tỏa vào tuần trước.
Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến khi những trung tâm kinh tế khác đang tìm cách ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan. Thượng Hải cũng đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe buýt liên tỉnh.
Theo nhà phân tích chiến lược của ING Warren Patterson và Wenyo Yao, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu dầu của đất nước 1,4 tỷ dân sẽ lao dốc.
"Giá dầu có thể một lần nữa mất mốc quan trọng 100 USD/thùng và duy trì ở dưới ngưỡng này trong vài tuần tới, ngay cả khi áp lực đình lạm đối với nền kinh tế thế giới (tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát tăng cao) vẫn còn", ông Halley dự báo.
Biến động khó đoán
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng không loại trừ khả năng giá dầu bật tăng lên hơn 130 USD/thùng do những biến động liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Cùng với đó là các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây nhắm vào Nga.
"Tôi cũng không cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tăng sản lượng dầu, ngay cả khi UAE và Iraq đã lên tiếng", ông Halley nói với Zing.
Hôm 10/3, đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba đã công khai ủng hộ tăng sản lượng dầu. "Chúng tôi muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích OPEC tăng nguồn cung", ông Otaiba nói với CNN. Iraq mới đây cũng cho biết có thể tăng sản lượng nếu OPEC+ (OPEC và các đồng minh) yêu cầu.
Tuy nhiên, cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei đã gửi đi tín hiệu trái ngược với đại sứ của nước này tại Washington. Cụ thể, ông khẳng định đất nước cam kết với thỏa thuận hiện có của OPEC+, bao gồm Nga. Đó là tăng nguồn cung dầu 400.000 thùng/ngày hàng tháng sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020.
Một phần lớn trong số 7,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Điều này khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng
Chuyên gia tài chính Jeffrey Halley
OPEC+ đã từ chối lời kêu gọi tăng cung từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu khác. Tổ chức này cho rằng giá dầu tăng cao vì yếu tố địa chính trị nhiều hơn là thiếu hụt nguồn cung.
Mới đây, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho rằng nguồn cung dầu đang ngày càng tụt lại so với nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+.
Giới quan sát cũng cho rằng giá dầu không thể hạ nhiệt một cách nhanh chóng. Do các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này. Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể cản trở giao dịch, việc tìm kiếm những tàu chở dầu đi tới các cảng biển của Nga cũng khó khăn.
"Một phần lớn trong số 7,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Điều này khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng", chuyên gia Halley giải thích.