Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu giảm, chứng khoán toàn cầu tụt dốc

OPEC từ chối giảm sản lượng khai thác đã khiến giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm và thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa trong những phiên đầu tuần.

Trong phiên họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cuối tuần trước, các quốc gia trong khối đã không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng sản xuất. Theo đó, vì OPEC không biết trước cam kết về sản lượng dầu của Iran trong 6 tháng tới, nên khối này quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác như hiện tại để giữ thị phần, dù lượng cung thế giới đang áp đảo lượng cầu.

Khủng hoảng giá dầu thế giới

Quyết định này của OPEC đã khiến giá dầu thô trong phiên thứ 2 có lúc rơi xuống mức đáy trong vòng gần 7 năm qua. Theo đó, giá dầu thô nhọt nhẹ có lúc đã xuống dưới 37,65 USD một thùng, thấp nhất từ tháng 2/2009, theo CNBC.

Các nhà phân tích của CNBC cũng cho rằng, việc giá dầu tiếp tục dò đáy trong những mùa đông năm 2015 đã làm tổn thương thị trường năng lượng của Mỹ và cũng như phá hỏng nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế như dầu đá phiến. "Bởi nếu giá dầu đá phiến xuống dưới 60 USD một thùng, các nhà sản xuất sẽ không còn lợi nhuận cũng như động lực để khai thác", Jonathan Barratt, Giám đốc đầu tư tại công ty chứng khoán Ayer Alliance cho biết.

Biểu giá dầu thế giới trong năm 2015. Ảnh: CNBC.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC bàn về vấn đề sản lượng dầu sẽ chỉ nối lại vào tháng 6 năm sau, nghĩa là trong vòng nửa năm tới, tình trạng dư cung dầu thô trên thế giới có thể vẫn tiếp diễn.

Mặc dù quyết định của OPEC tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu theo kiểu "đòn tâm lý" nhưng Pavel Molchanov, chuyên gia phân tích năng lượng của hãng Raymond James cho rằng, tác động này thậm chí còn mạnh hơn cả các yếu tố cơ bản khác. Rõ ràng, giá dầu giảm có thể hỗ trợ tích cực tới sản xuất khi làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhưng phản ứng của các sàn chứng khoán lại đi ngược với quy luật này.

Chứng khoán toàn cầu sụt giảm

Chịu tác động đầu tiên của xu hướng giảm giá dầu là các công ty năng lượng và vận tải. CNBC thống kê rằng, cổ phiếu của Chevron và Exxon Mobil đóng cửa phiên ngày thứ 2 giảm 2,5%. Các mã chứng khoán thuộc nhóm khí tự nhiên như của CONSOL, Williams Cos., ONEOK và Devon Energy giảm hơn 10%, ở mức thấp nhất kể từ phiên đóng cửa ngày 28/10.

S&P 500 đóng cửa giảm 14,62 điểm, tương đương 0,7%, chốt phiên tại mức 2.077,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa giảm hơn 40 điểm, trong khi Dow Jones Industrial mất 117 điểm.

Các chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, chỉ số chứng khoán Nhật Bản cũng giảm mạnh dù nhiều tín hiệu kinh tế cho thấy quốc gia này đã không rơi vào suy thoái như dự báo trước đó. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 205 điểm, tương đương 1,04%. Các mã blue-chip như Toyota, Sony, Mitsubishi Electric, và Toshiba đóng cửa đều lùi từ 1,3 đến 3% so với phiên trước đó.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 15 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lùi 47 điểm. Các mã chứng khoán ngành năng lượng của Trung Quốc mất từ 1,75 đến 2,76% trong phiên sáng nay, trong khi đồng nội tệ của quốc gia này đang ở mức thấp nhất trong 3 tháng so với USD, ở mức 6,4078 nhân dân tệ đổi một USD.

9 lãnh đạo của Samsung bị điều tra vì giao dịch nội gián

Các nhà chức trách tài chính Hàn Quốc đang tiến hành điều tra những cáo buộc liên quan đến giao dịch nội gián của tập đoàn Samsung trong thương vụ sáp nhập trị giá gần 10 tỷ USD.



Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm