Chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong vòng 6 tháng qua, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng về chỉ số thị trường, theo báo cáo World Market Indices. Còn một khảo sát từ Bloomberg đưa ra dự báo, chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng lên 622 điểm vào cuối năm 2015. Đặc biệt, ngược với xu thế rút vốn ở nhiều nước trong khu vực, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia chứng kiến hoạt động mua ròng của khối ngoại.
Lý do khiến Việt Nam vẫn thu hút dòng vốn ngoại, theo phân tích từ Reuters, là vì chứng khoán Việt Nam hiện là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất châu Á. Thực tế, VN-Index tăng khoảng 13% giá trị trong vòng một năm qua và nhiều cổ phiếu trên sàn đã tăng vọt về giá. Chính điều này đã đem lại những mức lợi nhuận ấn tượng cho các nhà đầu tư.
Tiêu biểu như KustoCem, một tổ chức đầu tư đến từ Singapore, đã lãi gần 900 tỷ đồng nhờ đầu tư vào cổ phiếu CTD của CotecCons. Đây là khoản đầu tư KustoCem thực hiện từ hơn 3 năm trước. Thời điểm đó, mức giá họ bỏ ra để mua cổ phiếu CTD cao hơn 25% so với thị giá. Nhưng KustoCem đã chứng tỏ rằng mình là một nhà đầu tư biết nhìn xa.
KustoCem thuộc Kusto Group. Đây là tập đoàn holdings hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có mặt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada... Kusto Group đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005, thông qua rót vốn vào Công ty Bình Thiên An.
Bằng cách trực tiếp và gián tiếp, họ đã thực hiện một số thương vụ thâu tóm ở Beton 6 (BT6), Xây dựng Descon (DCC), Tổng Công ty Cosevco, Công ty logistics Vinafco (VFC)... Năm 2014, ReCollection, một doanh nghiệp có liên quan đến Kusto Group, cũng đã gom mua gần 12% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Gemadept.
Trong khi đó, Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd là một nhà đầu tư Thái Lan quan tâm các công ty ngành nhựa tại Việt Nam. Cuối năm 2012, Nawaplastic gom mua lượng lớn cổ phiếu NTP (Nhựa Tiền Phong) và BMP của Nhựa Bình Minh. Đến nay, khoản đầu tư ở BMP đã đem lại giá trị gấp hơn 4 lần cho nhà đầu tư này. Còn khoản đầu tư tại Nhựa Tiền Phong cho mức lãi gấp đôi.
Mặt khác, vì cũng là một doanh nghiệp chuyên sản xuất ống nhựa PVC, nên Nawaplastic không chỉ đơn thuần đầu tư tài chính mà còn cử người vào ban quản trị ở cả Nhựa Bình Minh lẫn Nhựa Tiền Phong.
Nawaplastic trực thuộc Tập đoàn Siam Cement Public (SCG). Cuối năm 2012, SCG từng gây xôn xao thị trường khi mua 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD. Gần đây hơn, thông qua công ty con, SCG đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Tính ra, SCG đã đầu tư vào 7 công ty nhựa tại Việt Nam với số vốn 121 triệu USD.
Cũng đến từ Thái Lan, nhưng Top Poh Thailand Fund chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2015. Dù vậy, đơn vị này đã tạo được dấu ấn chỉ sau thời gian ngắn. Ngoài mức lãi gần 154 tỷ đồng, tức tăng khoảng 93% chỉ sau 7 tháng đầu tư cổ phiếu CTD (CotecCons), Top Poh Thailand Fund còn rót vốn đáng kể vào cổ phiếu HHS của Hoàng Huy và cổ phiếu SKG của Tàu Cao tốc Superdong - Kiên Giang.
Theo thông tin công bố, trong 10 năm qua, quỹ này đã tạo ra lợi nhuận/vốn đầu tư hơn 20%/năm, với thời gian rót vốn cho mỗi khoản đầu tư là trên 2 năm.
Ðến từ Singapore, F&N Dairy Investments Pte Ltd, cổ đông ngoại lớn nhất ở Vinamilk, đã đầu tư vào Vinamilk ngay từ khi doanh nghiệp này mới cổ phần hóa với giá trị 700 tỷ đồng cho khoản đầu tư ban đầu.
Tháng 8/2014, F&N Dairy Investments Pte Ltd chi thêm khoảng 1.800 tỷ đồng để mua thêm 15 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk. Từ đó đến nay, mặc dù nhiều tổ chức ngoại đã bán ra bớt cổ phiếu sinh lời này nhưng F&N Dairy Investments Pte Ltd vẫn không bán. Hiện tại, nhiều tổ chức như Dragon Capital Markets Limited, Deutsche Bank AG và Deutsche Asset Management (Asia) Ltd cũng đang là cổ đông lớn tại Vinamilk.
Tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2015 vừa tổ chức giữa tháng 10 năm nay, VinaCapital cho biết khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết của quỹ Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF, do VinaCapital quản lý) tính trong 3 năm qua đạt mức lời hằng năm chỉ khoảng 15,3%, thấp so với khoản đầu tư vào cổ phần tư nhân.
Mảng đầu tư tư nhân đã giúp VOF thu về 23 triệu USD lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận đạt 2,1 lần đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2 lần đối với các khoản thoái vốn một phần.
Vì thế, chiến lược sắp tới của VOF là sẽ tăng các khoản đầu tư cổ phần tư nhân với giá trị 10-40 triệu USD/công ty, trong đó có một số doanh nghiệp đầu ngành đang tìm kiếm nhà đầu tư vào cổ phần thiểu số/không chi phối. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng giúp tạo cơ hội để VOF tái xây dựng danh mục đầu tư OTC.
Về phần Dragon Capital, tuy chưa công bố chiến lược tương lai nhưng gần đây, xu hướng đầu tư của quỹ này là mua vào và trở thành cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp chưa có trong danh mục trước đó, đặc biệt là mảng bất động sản, xây dựng. Đây là những ngành hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi kinh tế.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã có sự linh hoạt hơn trong chiến lược đầu tư. Theo quan sát của Công ty Chứng khoán BSC, xu thế mua mạnh các cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm nay đã được chuyển dần sang mua cổ phiếu phân bón (DPM và DCM) và các cổ phiếu ngành bất động sản (DXG, CEO). Mặt khác, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ra những cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa rõ ràng.