Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu dự báo giảm một nửa vào năm sau

Giới chuyên gia dự báo rằng 2025 sẽ là một năm ảm đạm với thị trường dầu khi OPEC+ tăng sản lượng trở lại.

Một máy bơm dầu tại Midland (Texas, Mỹ). Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, giá dầu có thể chứng kiến đà sụt giảm mạnh nếu liên minh dầu mỏ OPEC+ dỡ bỏ các biện pháp cắt giảm sản lượng hiện tại. Các nhà quan sát thị trường đang đưa ra dự báo về một năm ảm đạm sắp tới đối với “vàng đen”.

“Hiện có nhiều lo ngại về giá dầu năm 2025 hơn bao giờ hết. Kể từ cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập năm 2010 gây bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, tôi mới thấy thị trường lo ngại đến thế”, ông Tom Kloza, Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại công ty dữ liệu OPIS nhận định

Ông Kloza cho biết giá dầu có thể giảm xuống còn 30-40 USD/thùng nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh dừng các chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện và không có một thỏa thuận thực sự nào để kiềm chế sản lượng dầu.

“Khối này đã chứng kiến thị phần trên thị trường dầu toàn cầu suy giảm trong những năm qua”, ông nói thêm.

Việc giảm xuống còn 30-40 USD trên mỗi thùng đồng nghĩa rằng giá dầu sẽ giảm khoảng 40-50% từ mức hiện tại. Hiện giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 72 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ WTI đang ở ngưỡng 68 USD/thùng.

“Xét tới việc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm tới khó tăng nhiều hơn 1 triệu thùng/ngày, việc OPEC+ rút chính sách giảm sản xuất chắc chắn sẽ khiến giá dầu giảm rất mạnh, có thể về mốc 40 USD/thùng”, ông Henning Gloystein, Trưởng bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc công ty Eurasia Group nhận định trên CNBC.

Tương tự, Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng cấp cao của MST Marquee thậm chí lo ngại rằng nếu OPEC+ dỡ bỏ việc cắt giảm mà không tính đến nhu cầu có thể dẫn đến một cuộc chiến giành thị phần và đẩy giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.

Song, theo giới phân tích, liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga nhiều khả năng sẽ lựa chọn giải pháp tăng dần sản lượng trở lại, thay vì chấm dứt cùng lúc tất cả chương trình cắt giảm sản lượng hiện tại.

Liên minh dầu mỏ có vẻ đã duy trì kỷ luật trong việc thực thi chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện và đang trì hoãn việc kết thúc chương trình này.

Vào tháng 9, OPEC+ đã hoãn kế hoạch giảm mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong vòng 2 tháng để ngăn chặn đà giảm giá dầu. Mức cắt giảm này được thực hiện trong quý II và III, ban đầu dự kiến hết hạn vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, đầu tháng này, liên minh dầu mỏ một lần nữa quyết định trì hoãn việc tăng sản lượng dầu dự kiến thêm một tháng nữa đến cuối tháng 12 năm nay.

Hiện tại, giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm do đà phục hồi chạm chạp hậu Covid của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu.

Trong báo cáo hàng tháng công bố tuần này, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2025 chỉ còn 1,5 triệu thùng/ngày, từ mức 1,6 triệu thùng/ngày đưa ra trong lần dự báo trước.

Ông Gloystein cho biết thêm ngoài ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm, giá dầu còn phải đương đầu với áp lực giảm từ tình trạng dư cung của thị trường toàn cầu, đặc biệt khi các nhà sản xuất dầu lớn ngoài OPEC như Mỹ, Canada, Guyana và Brazil cũng có kế hoạch tăng sản lượng.

Chiến lược gia năng lượng Martoccia Francesco của Citibank nhận định thị trường đồng thuận rằng sẽ có một lượng “tồn kho dầu đáng kể” trong năm tới. “Nếu các nước sản xuất dầu tăng sản lượng như kế hoạch, tình trạng dư cung có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 1,6 triệu thùng/ngày”, ông Francesco nói.

Ngay cả khi OPEC+ không rút lại các chương trình cắt giảm sản lượng, tương lai giá dầu vẫn ảm đạm. Các nhà phân tích của Citibank dự báo giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 60 USD/thùng trong năm tới.

Một yếu tố nữa có thể tác động tiêu cực tới giá dầu là các chính sách sắp tới của tổng thống đắc cử Donald Trump, người có thể khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn leo thang.

Trước đó, ông Trump đã cam kết tăng khai thác dầu khí và hạ giá năng lượng xuống một nửa, đồng nghĩa giá dầu thô phải xuống dưới 40 USD/thùng.

“Nếu chiến tranh thương mại xảy ra, đặc biệt là với Trung Quốc, giá dầu sẽ còn xuống thấp hơn rất nhiều”, ông Kloza cảnh báo.

Giá dầu tăng hay giảm sau các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ?

Các chuyên gia từ bộ phận Nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng giá dầu thường “có xu hướng tăng sau các cuộc bầu cử tại Mỹ”.

Giá dầu tăng

OPEC+ lùi kế hoạch tăng sản lượng, trong khi thị trường dầu cũng đang chuẩn bị cho 1 tuần biến động với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc họp quan trọng tại Trung Quốc.

Vì sao EVN tăng giá điện gần 5%?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá thành sản xuất điện thời gian qua chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm