Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 13/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu lao dốc 2,04 USD/thùng, tương đương 1,69% so với một ngày trước đó xuống 119,9 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ghi nhận mức giảm 1,74% còn 118,5 USD/thùng.
"Giá dầu lao dốc bởi hy vọng về một cú 'hạ cánh an toàn' mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mang lại cho nền kinh tế đã bị xói mòn", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - bình luận với Zing.
Cụ thể, các thị trường hàng hóa, bao gồm dầu, đã lao dốc sau thông tin về lạm phát tăng vượt dự kiến của Mỹ. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.
Giá dầu Brent giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 120 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
Lo ngại suy thoái
Thêm vào đó, theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Con số này thấp hơn thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng tài chính và khi lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.
Các dữ liệu được công bố trước cuộc họp quan trọng của FED. Giới quan sát dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp hôm 15/6.
Trước đó, FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, bao gồm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5.
Ngoài dầu, những loại tài sản khác cũng đồng loạt sụt giá sau thông tin về lạm phát tháng 5 của Mỹ. Tuần trước, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 1. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 4,6% và 5,1%. Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ mất 5,6%.
Riêng trong phiên giao dịch hôm 10/6, sau khi báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ được công bố, chỉ số Dow Jones mất 880 điểm, tương đương 2,7%, còn S&P 500 và Nasdaq lao dốc lần lượt 2,9% và 3,5%.
Giá dầu Brent liên tục trồi sụt trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: Trading Economics. |
Tuy nhiên, theo ông Halley, mức giảm không quá lớn. Điều đó cho thấy ngay cả khi nền kinh tế đối mặt với suy thoái, tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu vẫn giúp giá duy trì ở ngưỡng cao.
"Giá dầu cũng bị đè nặng bởi các đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt của Bắc Kinh và Thượng Hải vào cuối tuần qua. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tái áp dụng phong tỏa ở một số khu vực để kiểm soát virus", chuyên gia Halley bình luận.
Các biện pháp chống dịch gắt gao tại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - tác động nghiêm trọng tới nhu cầu toàn cầu. Thêm vào đó, giới quan sát lo ngại rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) và sẵn sàng áp đặt lệnh phong tỏa bất cứ khi nào, triển vọng kinh tế sẽ trở nên u ám.
Các hoạt động di chuyển, sản xuất và vận tải bị cản trở sẽ tác động đáng kể tới nhu cầu nội địa.
Đà bán tháo khó kéo dài
Nhưng theo chuyên gia Halley, đà bán tháo trên thị trường dầu khó có thể kéo dài, trừ khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với một cuộc suy thoái toàn diện, hoặc Trung Quốc một lần nữa áp đặt lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải.
"Nguồn cung của các sản phẩm tinh chế như dầu diesel vẫn bị thắt chặt trên toàn cầu. Sự mất cân bằng cung - cầu sẽ tiếp tục giữ giá dầu ở mức cao", vị chuyên gia tại Asia Pacific Oanda bình luận.
Đà bán tháo trên thị trường dầu khó có thể kéo dài, trừ khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với một cuộc suy thoái toàn diện, hoặc Trung Quốc một lần nữa áp đặt lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải
Chuyên gia tài chính Jeffrey Halley
Một số quốc gia đã công bố lệnh cấm vận đối với dầu Nga - một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - sau khi Moscow đổ quân vào Ukraine. Điều đó làm gián đoạn nguồn cung dầu thô và nhiên liệu sẵn có.
Trong khi đó, tiêu thụ các sản phẩm tinh chế đã vượt mức sản xuất, làm xói mòn nguồn cung sẵn có. Chênh lệch giá giữa xăng, dầu diesel và dầu thô đã đạt mức kỷ lục tại châu Âu và Mỹ trong năm nay. Tồn trữ nhiên liệu được dự báo sẽ còn giảm mạnh vào mùa hè.
Mới đây, ông Suhail Al-Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng UAE - thừa nhận rằng các nước thành viên của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đang gặp khó trong việc khôi phục sản xuất theo đúng kế hoạch.
Mặt khác, ông cảnh báo rằng một khi hoạt động tại đất nước 1,4 tỷ dân được khôi phục hoàn toàn, nhu cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ước tính mức tiêu thụ của nước này có thể tăng 12% trong quý III/2022. Trong khi đó, Ngân hàng Trung Quốc Quốc tế dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhẹ vào quý III, nhưng tăng mạnh trong quý IV.
Tuần trước, Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu sẽ đạt 140 USD/thùng trong những tháng tới. Morgan Stanley cho rằng nếu chạm ngưỡng 150 USD/thùng, giá dầu có thể còn tăng cao hơn nữa.
Còn nói với Zing, chuyên gia Halley cho rằng trong thời gian tới, mức giá hỗ trợ và kháng cự của dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu sẽ lần lượt là 118,5-119,5 USD/thùng và 122-124,4 USD/thùng.