Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao lạm phát chưa phải ác mộng tồi tệ nhất?

Lạm phát toàn cầu đang tăng mạnh. Nhưng giới quan sát cảnh báo về bóng ma đình lạm - lạm phát cao nhưng tăng trưởng chậm - có thể đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái.

Theo Wall Street Journal, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tổ chức này cảnh báo về một giai đoạn lạm phát tăng cao nhưng tăng trưởng giảm tốc.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống còn 2,9% trong năm 2022. Dự báo được đưa ra thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% hồi tháng 1. WB cho rằng nguyên nhân chính là xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19.

Đáng nói, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 và 2024 bởi chiến tranh làm gián đoạn cuộc sống, hoạt động đầu tư và thương mại. Trong khi đó, các chính phủ trên toàn thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ.

Bong ma dinh lam anh 1

Lạm phát toàn cầu tăng vọt vì nhu cầu phục hồi và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Bóng ma đình lạm

"Chúng ta có thể trải qua một vài năm với mức lạm phát trên trung bình và tăng trưởng dưới trung bình", Wall Street Journal dẫn lời ông David Malpass - Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới - cảnh báo.

Ông cho rằng nhiều nước trên thế giới sẽ không thể tránh khỏi suy thoái bởi ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine, đại dịch tại Trung Quốc và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khuyến khích sản xuất và tránh những rào cản đối với thương mại. "Cần có thay đổi trong các chính sách tài khóa, tiền tệ, khí hậu và nợ để đối phó với tình trạng bất bình đẳng và phân bổ nhầm vốn", ông Malpass nói thêm.

Chúng ta có thể trải qua một vài năm với mức lạm phát trên trung bình và tăng trưởng dưới trung bình

Ông David Malpass, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới

Trong báo cáo mới nhất, WB đã tiến hành đánh giá chi tiết các điều kiện của nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại, so với tình trạng đình lạm - tức lạm phát tăng cao và tăng trưởng đình trệ - vào những năm 1970.

Để nền kinh tế toàn cầu vực dậy từ bóng ma đình lạm vào thập niên 70, lãi suất tại các nền kinh tế lớn đã tăng mạnh, kích hoạt hàng loạt cuộc khủng hoảng tài chính ở những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Giới quan sát lo ngại bóng ma đình lạm có thể trở lại, làm tổn hại tới mức sống của người dân trên thế giới, nhất là những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Do đại dịch và chiến dịch, WB dự báo trong năm nay, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ thấp hơn gần 5% so với mức trước đại dịch.

Trên thực tế, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột Nga - Ukraine và chủ nghĩa bảo hộ trong thời gian qua đã giáng đòn mạnh vào những nước nghèo. Nhiều nước phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, bị đè bẹp bởi giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao và đồng tiền suy yếu. Họ cũng không thể tranh giành nguồn cung với những quốc gia giàu có hơn.

Nhiều nước sẽ rơi vào suy thoái

Giá nhiên liệu tăng cao đang làm trầm trọng thêm lạm phát từ những quốc gia vốn đã vật lộn với giá lương thực tăng cao. Điều này dẫn đến bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình của người dân.

Họ có thể đối phó với giá cả leo thang bằng cách tăng trợ cấp hoặc giảm thuế. Nhưng cả 2 cách này nếu làm tổn hại tới ngân sách của chính phủ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao có thể kích hoạt làn sóng phẫn nộ từ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

"Chúng ta có thể chứng kiến nhiều bất ổn, bởi các nền kinh tế mới nổi nhạy cảm hơn với giá nhiên liệu", ông Virendra Chauhan tại công ty tư vấn Energy Aspects (có trụ sở tại Singapore) bình luận.

Ở Sri Lanka, Lào, Nigeria và Argentina, người dân phải xếp hàng dài tại các trạm xăng vì tình trạng khan hiếm nhiên liệu. Điều này cũng đẩy giới chức vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Bong ma dinh lam anh 2

Tại các nước nghèo, giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt và đồng tiền suy yếu đã tạo ra vòng xoáy lạm phát nguy hiểm. Ảnh: Reuters.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng sẽ giảm tốc còn 2,5% vào năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

"Giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt đang tạo ra hiệu ứng đình lạm. Bởi điều này làm lạm phát tăng cao, nhưng chi tiêu và sản lượng sụt giảm", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định.

Bà cảnh báo rằng Mỹ có thể phải đối mặt với thời kỳ lạm phát gia tăng kéo dài. "Tôi cho rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao, dù tôi mong nó giảm ngay lập tức", bà Yellen chia sẻ.

Trích dẫn tác động của cuộc xung đột đối với giá năng lượng và lương thực, mới đây, Liên Hợp Quốc cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4% xuống 3,1%, còn tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm còn 2,6%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,6% trong năm nay. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.

Doanh nghiệp Đức chưa hài lòng về cơ sở hạ tầng của Việt Nam

Có 17,9% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng cơ sở hạ tầng là một trong các thách thức đối với tăng trưởng doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tới.

Cơn bão giá toàn cầu kéo dài đến bao giờ?

Các dấu hiệu chỉ ra cơn bão lạm phát trên toàn cầu chuẩn bị hạ nhiệt. Giới quan sát cho rằng nếu tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Gia xang dung yen hinh anh

Giá xăng đứng yên

0

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng RON 95 chỉ tăng 30 đồng lên 20.590 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 23 lần tăng giá và 27 lần giảm giá.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm