Sáng 25/9, anh Lê Văn Dũng, chuyên thu mua thủy sản ở xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) được đại lý cấp trên cho giá mua tôm, cua của người dân cao hơn ngày trước.
“Hai tháng giãn cách xã hội khiến giá tôm giảm, nông dân không dám thu hoạch để bán. Ngoài việc sợ lỗ vốn, bà con cũng hạn chế tiếp xúc người mua tôm nên tôi mua không được nhiều. Nhờ dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát, hoạt động thu mua tốt trở lại nên giá tôm, cua tăng cao”, anh Dũng chia sẻ.
Giá cua tăng đến 80.000 đồng/kg
Theo anh Dũng, trong lúc giá tôm sú tăng nhẹ 3.000-5.000 đồng/kg thì giá tôm thẻ và cua tăng mạnh.
Trong thời gian tỉnh Bạc Liêu áp dụng Chỉ thị 16, giá cua gạch chỉ 220.000-240.000 đồng/kg và cua thịt 120.000-150.000 đồng/kg. Với giá này, nhiều nông dân chấp nhận giữ lại không bán.
Con cua biển nặng trên 1 kg tại Sóc Trăng. Ảnh: Trần Trang. |
Từ 6/9, huyện Phước Long và 5 huyện, thị trong tỉnh Bạc Liêu nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15. Các tỉnh lân cận cũng nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 và 19 đã tạo điều kiện cho nông sản tiêu thụ nhanh, trong đó có tôm, cua.
“Sau khi nới lỏng giãn cách, giá cua thịt tăng dần từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng và hiện nay là 200.000 đồng/kg. Cua gạch hiện nay 320.000 đồng/kg, tăng đến 80.000 đồng/kg khiến nông dân phấn khởi. Giá cua có thể còn tăng nữa vì các vựa đã bán nhiều cho mối ở TP.HCM”, anh Dũng nói.
Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, giá cua thịt loại 2 con một kg giá 300.000 đồng/kg và cua gạch loại nhất là 350.000 đồng/kg. Giá này tăng 40.000 đồng/kg so với một tuần trước.
Anh Đức Vinh, chủ vựa thủy, hải sản tại chợ phường 2, TP Sóc Trăng cho biết tôm thịt loại 1 giá 250.000 đồng tăng lên 280.000 đồng/kg; cua gạch tăng từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng/kg.
Các tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách giúp cua biển miền Tây trở lại thời "hoàng kim". Ảnh: Việt Tường. |
Theo anh Vinh, các tỉnh, thành ở miền Tây và TP.HCM nới lỏng giãn cách nên không chỉ cua mà tôm được tiêu thụ mạnh. Đây là nguyên nhân giá các loại thủy, hải sản ngon ở miền Tây tăng giá.
Tôm thẻ tiếp tục tăng giá
Trao đổi với Zing sáng 25/9, anh Trường Giang ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết Công ty TNHH Một thành viên Tuấn Phát mua tôm thẻ loại 30 con giá 150.000 đồng/kg. Giá này tăng 20.000 đồng một kg so với lúc Sóc Trăng còn áp dụng Chỉ thị 16.
Không chỉ loại 30 con, tôm thẻ các kích cỡ còn lại cũng được doanh nghiệp mua tăng giá từ 3.000-6.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, loại 40 con giá 130.000 đồng, 50 con 116.000 đồng, loại 70 con 98.000 đồng, loại 100 con giá 83.000 đồng/kg...
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 61.160 ha tôm, đạt 82,6% so với kế hoạch và bằng 99% so với cùng kỳ. Ước tính sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay là 150.292 tấn.
Trong đó, tôm nước lợ lũy kế thả nuôi 46.002 ha (tôm thẻ chân trắng 34.614 ha chiếm tỷ lệ 75,2%). Diện tích này đạt 90,2% so với kế hoạch và bằng 104,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đã thu hoạch gần 30.492 ha, ước đạt sản lượng 132.008 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng 121.975,3 tấn.
Thu hoạch tôm thẻ tại Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang. |
Hiện, Sóc Trăng còn khoảng 13.135,5 ha tôm trên đồng (tôm thẻ chân trắng 8.507,2 ha, tôm sú 4.628,3 ha). Trong đó, tôm ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi 2.701 ha, giai đoạn 30-60 ngày tuổi 3.922 ha và tôm giai đoạn 60-90 ngày tuổi
“Giá tôm so với đầu tháng 7 tăng 1.000-19.000 đồng/kg thuộc các kích cỡ 20-40 con/kg. So với cùng kỳ năm 2020, giá tôm cao bình quân hơn 2.000-11.000 đồng/kg. Riêng tôm cỡ 20 con/kg giá cao hơn 55.000 đồng/kg”, lãnh đạo Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này từ đầu năm đến nay ước 950 triệu USD, đạt 95% kế hoạch và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng thủy sản ước tính 740 triệu USD, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 23,9% (tương đương 143 triệu USD), gạo ước tính đạt 170 triệu USD, tăng 38,2% (tương đương 47 triệu USD).