Ảnh: The Economic Times. |
Mọi người thường hỏi điều gì khiến thị trường chứng khoán tăng hay giảm. Một số người tự tin là mình biết câu trả lời, nhưng họ gần như luôn sai. Các nhà đầu tư thường viện dẫn một trong những yếu tố sau như động lực chính của giá cổ phiếu: tình trạng thất nghiệp, điều kiện nhà ở, chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ, sức mạnh của đồng đôla, niềm tin của người tiêu dùng, doanh số bán lẻ và lãi suất. Tất cả đều là những lựa chọn phổ biến.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán chỉ quan tâm đến một điều trên hết, và đó là thu nhập dự kiến (tức là lợi nhuận trong tương lai). Nếu các công ty kiếm được nhiều tiền hơn, cổ phiếu của họ trở nên có giá trị hơn và giá cổ phiếu của họ cuối cùng sẽ tăng lên. Giá cổ phiếu chỉ đơn giản là sự phản ánh khả năng kiếm tiền của một công ty. Mọi thứ khác đều vô nghĩa.
Giả sử bạn muốn mua một tiệm bánh mì. Bạn sẽ chú ý đến những yếu tố nào? Với tư cách một chủ doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, bạn quan tâm nhiều nhất đến thu nhập dự kiến. Nếu mua cửa tiệm đó, bạn mua vì tin là lợi nhuận thu được sẽ tương xứng với giá mua và mang lại kết quả kinh doanh khả quan. Để đi đến kết luận này, bạn sẽ xem xét mọi yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của tiệm bánh mì.
Ví dụ, nếu bạn vay tiền lãi suất thấp để mua nó, khoản tiền trả lãi hàng tháng sẽ thấp, do đó tiệm bánh sẽ sinh lời tốt hơn. Trong trường hợp này, lãi suất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến thu nhập dự kiến của bạn.
Giá cả nguyên vật liệu đầu vào có thể cũng quan trọng, bởi vì dầu, pho-mát, thịt nguội và bánh mì là những mặt hàng có giá khác nhau. Nếu giá dầu tăng, bạn sẽ phải trả nhiều hơn để nguyên liệu được giao đến tiệm của bạn mỗi ngày. Giá thực phẩm tăng cũng làm tăng chi phí của bạn.
Mặc dù lãi suất thấp có thể giúp tăng lợi nhuận, nhưng việc tăng giá nguyên vật liệu có thể làm tiền lời ít đi và cả hai đều ảnh hưởng đến thu nhập dự kiến của bạn.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng rất quan trọng, vì nếu người tiêu dùng nghĩ thế giới tài chính của họ đang sụp đổ, họ sẽ bỏ qua chiếc bánh mì 8 đôla của bạn và tự làm những chiếc bánh mì bơ đậu phộng kèm mứt trái cây cho bọn trẻ. Khi đó, doanh số bán hàng sẽ giảm, dẫn đến thu nhập giảm. Bạn hiểu rồi đấy.
Tuy nhiên, hãy lưu ý từ khóa quan trọng ở đây là dự kiến. Không ai quan tâm đến thu nhập của ngày hôm qua. Chúng ta hãy quay lại tiệm bánh mì mà bạn đang cân nhắc mua. Bạn đang nói chuyện với chủ tiệm, xem xét tình hình tài chính của anh ta và bạn có thể thấy anh ta kiếm được 100.000 đôla mỗi năm trong ba năm qua nhờ bán được khoảng 20.000 ổ bánh mì mỗi năm. Tình hình kinh doanh có vẻ khá ổn định, vì vậy bạn đang nghĩ đến việc sẽ trả 200.000 đôla để mua lại tiệm bánh, biết rằng bạn có thể kiếm được 100.000 đôla mỗi năm sau khi trả hết khoản vay mà bạn dùng để mua nó. Đến năm thứ ba, bạn sẽ bắt đầu có lời.
Nhưng bạn rất thông minh nên bạn sẽ không đánh giá tình hình theo giá trị bề ngoài. Bạn chú ý thấy chủ tiệm bán 5.000 ổ bánh mì mỗi năm cho một khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng đó vừa mới ngừng kinh doanh. Nếu bạn trừ khoản doanh số đó ra, lợi nhuận của cửa tiệm sẽ giảm xuống rất nhiều và thu nhập dự kiến sẽ thấp hơn ước tính ban đầu. Là một người khôn ngoan, bạn sẽ không đưa ra mức giá 200.000 đôla để mua lại tiệm bánh nữa. Bạn đang tập trung vào điều duy nhất thật sự quan trọng, đó là thu nhập dự kiến.
Điểm mấu chốt ở đây là tất cả các yếu tố khác trong nền kinh tế trở nên quan trọng chỉ vì những người mua và bán cổ phiếu đang cố gắng xác định xem những thay đổi trong các “chỉ số” khác nhau như tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất, lạm phát… cuối cùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập dự kiến của một công ty.
Không ai quan tâm đến việc các công ty chăm sóc sức khỏe kiếm được bao nhiêu tiền trong quá khứ. Họ muốn biết luật cải cách y tế mới sẽ có tác động gì đến thu nhập trong tương lai của các công ty này.
Không ai quan tâm đến việc Starbucks kiếm được một triệu hay một tỷ đôla trong năm vừa qua. Họ chỉ muốn biết liệu thu nhập của chuỗi cửa hàng đồ uống này có bị ảnh hưởng không khi McDonald’s đang bán cà phê chất lượng cao.
Không ai quan tâm General Dynamics đã kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán quân nhu cho chính phủ. Người ta chỉ muốn biết các cuộc xung đột quân sự trên toàn thế giới có tiếp tục kéo dài và thúc đẩy doanh số bán hàng trong tương lai hay không.
Đó là lý do khi thị trường giá xuống xảy ra ở Mỹ vào năm 2008, các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của chuỗi siêu thị bán lẻ bình dân Walmart. Họ nghĩ rằng thu nhập dự kiến của Walmart sẽ tăng lên khi người tiêu dùng có khuynh hướng mua đồ với giá càng rẻ càng tốt.
Lý do tương tự đã khiến giá cổ phiếu của chuỗi trung tâm thương mại hạng sang Nordstrom giảm xuống. Cổ phiếu của McDonald’s trong giai đoạn đó đã tăng trưởng tương đối tốt vì các nhà đầu tư cho rằng người tiêu dùng sẽ muốn ăn uống ở các quán ăn giá rẻ.
Logic tương tự đã khiến giá cổ phiếu của các nhà hàng cao cấp hơn như Cheesecake Factory giảm xuống. Và tất nhiên, các công ty bán đồ uống có cồn đã ăn nên làm ra vì người ta có khuynh hướng uống rượu bia khi chán nản (tất nhiên họ cũng uống khi vui vẻ, đó là lý do tại sao thức uống có cồn được xem là bằng chứng của sự suy thoái).
Bạn muốn biết một sự thật thú vị khác không? Thị trường chứng khoán nói chung có khuynh hướng tăng cao trước khi một cuộc suy thoái kết thúc. Thị trường không quan tâm những gì đang diễn ra ngày hôm nay. Nó dự đoán thu nhập tương lai của các công ty.
Nếu thị trường chứng khoán giảm, đó là do các nhà đầu tư tin rằng thu nhập trong tương lai sẽ sụt giảm. Nếu thị trường tăng, đó là bởi vì các nhà đầu tư tin rằng môi trường kinh tế đang thay đổi theo hướng có lợi cho các công ty.
Trên thực tế, mọi chuyện có thể phức tạp hơn một chút vì các nhà đầu tư sẽ luôn so sánh thu nhập tương lai của họ với thu nhập mà họ có thể thu được ở nơi khác. Ví dụ, nếu trái phiếu kho bạc kỳ hạn mười năm đang trả 10% thì chắc chắn tiền sẽ bay vèo ra khỏi thị trường chứng khoán để đổ vào thị trường trái phiếu.