Từ quý 2/2011, thị trường căn hộ tại Hà Nội rơi vào khủng hoảng, cùng với tình hình chung của cả nước. Lượng giao dịch mua bán giảm sút, và điều quan trọng hơn cả là niềm tin của người mua nhà có nguy cơ đổ vỡ vì hàng loạt các cuộc tranh chấp khiếu kiện xảy ra. Một trong những yếu tố minh chứng tình hình của thị trường bất động sản, đó là giá bán.
Theo khảo sát, giá căn hộ tại Hà Nội đã lao dốc với tốc độ chóng mặt từ năm 2012. Cụ thể, trong khi quý II/2012, giá trung bình một mét vuông căn hộ tại Hà Nội ngất ngưởng ở mức 28,5 triệu đồng/m2, thì sang đến quý kế tiếp, giá đã rớt hẳn xuống mức 24-25 triệu đồng/m2. Và ở các quý sau cho đến quý II/2013, sự xuống giá vẫn xuất hiện, với chênh lệch có phần ít hơn qua từng giai đoạn.
Hiện tại, mức giá trung bình ghi nhận được qua các giao dịch mua bán căn hộ là 20 triệu đồng/m2. Giá trị giao dịch ở mức giá khoảng từ 1-2 tỷ chiếm số lượng nhiều nhất (chiếm trên 40% tất cả các giao dịch căn hộ tại Hà Nội). Khu vực thường có nhiều tin đăng nhất rơi vào các khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá, Gia Lâm, hay các khu đô thị đã hình thành lâu như khu đô thị mới Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính… Sở dĩ có sự hay đổi về giá căn hộ là do các chủ đầu tư áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá liên tục. Khách hàng đã lên ngôi “thượng đế” trong một thị trường mà kẻ bán nhiều hơn người mua.
Tuy nhiên, về một mặt nào đó, việc các chỉ số giá lao dốc rõ ràng là một điều nguy hiểm cho thị trường, khi mà người mua nhà vẫn giữ tâm lý mong chờ giá sẽ xuống nữa rồi mới đưa ra quyết định. Điều này sẽ khiến cho thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục bế tắc, hàng tồn kho vẫn không ngừng tăng lên, gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành nghề liên quan khác như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…
Người mua nhà sẽ suy nghĩ rất cẩn thận trước khi quyết định mua một căn hộ để an cư. Việc đặt chữ “tín” lên hàng đầu khi xây dựng dự án và giao dịch với khách hàng là một điều vô cùng cần thiết trong thời buổi thị trường “tranh tối tranh sáng” như hiện nay.