Nhà nhà, người người thành "cò"
“Cò” đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM đủ mọi thành phần, đủ cả già, trẻ, gái, trai. Họ có thể là một anh thợ hồ, chị công nhân hay một cán bộ xã. Họ đến với nghề bằng năm bảy con đường khác nhau. Nổi danh trong giới “cò” đất ở xã có những cái tên như: Sanh “cò”, Mười Hồng, Tám Hường, Hai Xuân…
“Phải công nhận tụi “cò” hay thật. Miếng đất bà xã mua tui còn không biết diện tích bao nhiêu, nằm ở đâu… thế mà tụi “cò” biết tất tần tật, cả số điện thoại cầm tay của chủ đất cũng thuộc lòng. Bà xã tôi vừa đặt biển bán đất, thế là ngay trong sáng hôm ấy có “cò” gọi đến xin gặp để khách hàng xem giấy tờ” - ông Nguyễn Văn Thành, P.Tân Kiền, Q.7 nói.
Túp lều được “cò” dựng trên đất khách để làm “văn phòng giao dịch”. |
Bất kể sớm khuya, nắng gắt hay mưa dầm, gần hay xa tít mù khơi người ta vẫn thấy những tay “cò” nhiệt tình dắt khách đi xem nhà, đất. Sanh cò tâm sự: “Trong số hàng trăm “cò” ở đây, số người làm ăn được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làm nghề này đâu có dễ như người ta nghĩ. Làm “cò” phải nhiệt tình, nói ít mà hiệu quả, nói nhiều có khi người ta… dị ứng”.
Ngoài môi giới nhà đất, các “cò” còn kiêm luôn việc “chạy” giấy phép sửa chữa, xây dựng, giấy hoàn công. Nhờ vậy mà những căn nhà có diện tích nhỏ không được cấp phép xây dựng vẫn không hề bị thanh tra xây dựng địa phương đến “hỏi thăm”.
Được nhiều người biết đến với thâm niên trong nghề là ông Tám Lung - người địa phương chính gốc. Khoảng những năm 2000, “cò” Tám Lung được biết đến là “cò” đất dự án, không thèm môi giới những miếng đất nhỏ. Xuất thâ nông dân, trình độ văn hóa “thấp tè dưới đọt me”, nhưng hễ chính phủ có văn bản, quy định nào mới trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng là ông Tám Lung nắm tất. Mọi thắc mắc nào của người dân về quy định quản lý đất đai, Tám Lung sẵn sàng giải đáp, tư vấn qua điện thoại hoặc tại nhà mà không lấy bất kỳ một đồng tiền công nào. Đi đâu Tám Lung cũng kè kè chiếc cặp da loại đắt tiền, quần áo, giầy tây trông tinh tươm như doanh nhân thành đạt. Cho nên, có người nhầm tưởng ông ta là một cán bộ địa chính lâu năm.
Một điểm môi giới nhà đất ở xã "người người làm cò, nhà nhà cò đất". |
Không kém Tám Lung, “cò” Hường cũng được biết đến là một “cò” uy tín, có mối nào là ăn chắc mối ấy. Trong cốp xe của “cò” Hường lúc nào cũng có vài bộ hồ sơ chờ xin giấy phép xây dựng hay ra sổ đỏ, sổ hồng. Ngày chủ nhật trung tuần tháng 7, được một “đại gia” giới thiệu, tôi ghé quán cà phê trong xã, nơi “cò” Hường thường chọn hẹn gặp khách hàng.
Tôi đặt vấn đề cần tách thửa và ra sổ đỏ miếng đất đang thuộc diện tranh chấp, nếu được sẽ “cưa” theo tỉ lệ 8-2, tức tôi 8, ông ta 2. Ông đại gia đất đi cùng tôi bồi thêm: “Chỗ thằng em này như người nhà, mày cố gắng giúp giùm”. Do dự hồi lâu, “cò” Hường nói: “Cái này để tui xem lại, không có gì khó bằng đất tranh chấp. Nhưng chia vậy thì bèo lắm, đâu phải tui ăn một mình đâu”. Chuông điện thoại của “cò” Hường đổ liên hồi. Ông ta nheo mắt xem số gọi đến rồi nói: “Thằng thầu gọi, chắc là nhờ chạy giấy phép xây dựng”. Nói xong, “cò” Hường vỗ nhẹ vai tôi: “Vậy đi nhé, có gì tui sẽ gọi cho ông”.
Dễ "ăn" như làm “cò” đất
Vợ chồng ông Mười ở ấp 1, tên thường gọi là Mười Hồng, theo nghề “cò” đất trên dưới 15 năm. Sau lần giới thiệu cho khách hàng từ Q.Tân Phú về mua đất làm xưởng cơ khí, bà Mười Hồng được người mua gửi chút đỉnh tiền gọi là tiền xăng. Riêng bên bán vì thấy bán được giá, chi hẳn cho bà 1%. Nghe 1% thì quá ít, song 1% của 3 tỉ đồng thì không phải là số tiền nhỏ, nhất là vào khoảng 10 năm trước. Thấy ngon ăn, bà Mười về đặt ngay tấm biển trước nhà: “Mười Hồng, môi giới, nhận trao đổi, ký gửi nhà đất”. Có thể nói, tấm biển này xuất hiện đầu tiên trong xã.
Số điện thoại của “cò” được ghi trên trên vỉa hè thuộc Khu B, làng Đại học. |
Sau nhà Mười Hồng, lần lượt hàng chục tấm bảng lớn, nhỏ của các “cò” khác được dựng, treo lên ở bất cứ nơi nào có thể. Từ lúc hai dự án nhà ở trong xã được triển khai, nhiều “cò” đất chuyển vào đó hoạt động. Đó là dự án nhà ở thuộc khu dân cư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng và làng Đại học. Không ít “cò” tìm đến những miếng đất trống dựng chòi lá, trương lên tấm biển môi giới nhà đất để làm “văn phòng giao dịch”. Khi chủ đất đến không cho dựng nhà nữa thì dời sang đất khác.
Năm 2009, “cò” Sanh quyết định bỏ nghề buôn bán tạp hóa đang ăn nên làm ra để chuyển sang làm “cò” đất sau hai lần môi giới được số tiền khá lớn. Ngoài tấm biển dựng ngay trước nhà mặt tiền đường Lê Văn Lương, “cò” Sanh còn đặt một tấm biển to đùng ngay trong làng Đại học. Cứ mỗi sáng, sau khi điểm tâm, uống cà phê, “cò” Sanh đèo chiếc ghế xếp trên xe vào làng Đại học ngồi đợi khách. Còn “cò” Lũy, thời điểm thị trường bất động sản “nóng”, anh thuê người dựng lên một căn chòi kiên cố và chuyển hẳn ra đó ở để dễ dàng làm ăn.
Một “cò” khác tên Sơn, người dân ở ấp 4, xã Phước Kiển thường gọi là Sơn “nổ” cũng tập tành theo nghề gần 3 năm nay. Xuất thân từ sinh viên trường luật, khả năng giao tiếp lưu loát… chẳng mấy chốc Sơn có nhiều mối ký gửi nhà đất lớn khiến không ít người cùng nghề nổi cơn sân si. Tuy nhiên, cái tài của Sơn không thắng nổi số đông, khi họ quyết định “đánh hội đồng” thằng con nít ranh ở đâu về đây làm mưa làm gió.
Với cái tính ngông cuồng, nông nổi của người trẻ, Sơn bị đám “cò” liệt vào danh sách đen. Hễ “cò” Sơn hoạt động ở địa bàn nào, đám “cò” lại đổ quân đến “phá hôi”. Đến nay, dù không còn thuê nhà ở địa phương này nữa nhưng tên tuổi của Sơn nhà trọ vẫn còn được nhắc đến nhiều bởi cái tài “buôn nước bọt”.
Đi đến bất kỳ khu đất nào trong xã thuộc huyện Nhà Bè, chúng tôi đều gặp những số điện thoại khá quen thuộc của “cò” đất được sơn xịt ngay dưới nền đất, tường nhà và cả trên cột điện. Tại khu nhà ở Thái Sơn - Bộ Quốc phòng, rẽ ngang con đường chính hướng từ đường Nguyễn Hữu Thọ sang đường song song Lê Văn Lương, số điện thoại của “cò” được xịt lớn. Một số “cò” vì làm ăn ế ẩm, cả tháng không dắt được mối nào thế là nảy sinh tật xấu, ghen ghét vô cớ các “đồng nghiệp” của mình. “Cò” chơi khăm đồng nghiệp bằng cách dùng sơn bôi số điện thoại của các “cò” khác đã in, xịt ở khắp nơi. Thậm chí, “cò” lại tung người tiếp cận với khách hàng để “phá hôi” theo kiểu người hùng: “Đất này đang tranh chấp, nhà này chưa có sổ hồng, nhà nằm trên mộ… đừng có dính vào”.
Người theo nghề “cò” đất ngày một đông, từ đó đã nảy sinh nhiều cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các “cò” với nhau. Ngày họ còn là những người nông dân tay lấm chân bùn thì tình cảm đong đầy. Song, cũng vì nghề “cò” mà tình cảm sứt mẻ, thậm chí chẳng thèm nhìn mặt nhau.