Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá cho tấm thẻ xanh vào Mỹ

Cách dễ nhất để kiếm một suất vào Mỹ không phải là bước qua đường biên giới nước này trong đêm tối chết chóc mà là viết chi phiếu, tờ New York Times nhận định.

Mới đây nhất, một câu lạc bộ bóng đá đã dùng chính hình thức này để trang trải hàng triệu USD chi phí xây dựng sân vận động mới của họ.

Thay vì yêu cầu mỗi người hâm mộ chi trả hàng nghìn USD để được đăng ký chỗ ngồi cá nhân và nhận vé theo mùa, Flávio Augusto da Silva – chủ sở hữu chính của câu lạc bộ Orlando City của Major League Soccer (giải vô định quốc gia Mỹ) đề nghị các nhà đầu tư từ Brazil, Trung Quốc và các nước khác phải trả 500.000 USD mỗi người để góp vốn đầu tư vào sân vận động mà ông đang xây dựng gần thị trấn Orlando. 

Đổi lại, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được lợi tức hàng năm, hai tấm vé xem bóng đá theo mùa và cuối cùng là một thứ còn giá trị hơn: tấm thẻ xanh cho phép bản thân họ, vợ hoặc chồng và đôi khi thậm chí cả con cái của họ được sống và làm việc tại Mỹ.

gia cua tam the xanh vao My anh 1
Sân vận động TP Orlando đang thành hình. Ảnh NYT

Tiền mặt lấy visa

Đây được xem là thương vụ đầu tiên của loại hình này trong mảng đầu tư sân vận động. Thế nhưng nó không hề mới mẻ. Việc cấp visa này nằm trong chương trình liên bang đã thực hiện được 25 năm có tên là EB-5. Chương trình này được lập ra từ năm 1990 với mục tiêu là để trang trải chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn và các vùng nghèo ở lân cận đô thị.

Do nguồn vốn cho vay ngân hàng đã cạn kiệt sau đợt suy thoái kinh tế vừa qua, các nhà phát triển hạ tầng đã chuyển sang sử dụng chương trình này để tài trợ vốn cho các dự án xây dựng khách sạn, nhà chung cư và các dự án khác từ Manhattan cho tới Miami.

Kết quả là số lượng người được cấp visa EB-5 đã tăng từ 100 người vào năm 2003 lên tới gần 9.000 người vào năm ngoái.

gia cua tam the xanh vao My anh 2

Ông da Silva hy vọng sẽ có thể huy động khoảng một nửa chi phí xây dựng thông qua chương trình tiền mặt đổi lấy visa

.

Ông da Silva cho biết “Đối với chúng tôi, đây là một quyết định về mặt kinh doanh”. Và ông hy vọng sẽ có thể huy động khoảng một nửa chi phí xây dựng thông qua chương trình tiền mặt đổi lấy visa (cash-for-visa) này.

Theo ông này, nhu cầu của những người muốn di chuyển tới Mỹ, có thẻ xanh và có một cơ hội tốt để tham gia vào sự tăng trưởng của câu lạc bộ đã xuất hiện.

"Cùng thắng"

Việc tài trợ vốn bằng chương trình EB-5 đã giúp trang trải chi phí cho công trình hạ tầng kết nối với Trung tâm Barclays ở Brooklyn, không phải là cho chính khu vực này.

Các nhà phát triển hạ tầng trước đây đã cố gắng để sử dụng chương trình EB-5 nhằm tài trợ vốn cho các dự án về sân vận động tại California, Florida và những nơi khác, nhưng họ đã gặp phải một số trở ngại, bao gồm việc không dự đoán được tốc độ mà các nhà đầu tư theo chương trình EB-5 được phê duyệt cho các dự án mà các dự án này thường chỉ cửa vào những mốc thời gian cụ thể.

Dự án Orlando là một dự án sân vận động gồm 25.000 chỗ ngồi, theo lịch trình sẽ mở cửa cho các mùa giải năm 2017 của cả đội Orlando City S.C và đội Orlando Pride – đội bóng nữ mà ông da Silva sở hữu cùng với đối tác của mình là Phil Rawlins.

Ban đầu, thành phố và hạt đã đồng ý trợ cấp cho dự án. Nhưng khi các nhà lập pháp của bang ngần ngại trước việc hoàn thuế doanh thu, ông da Silva đã chuyển sang sử dụng chương trình EB-5.

Thị trưởng của Orlando, ông Buddy Dyer cũng khuyến khích giải pháp này: “Giải pháp mà đội đưa ra đã dẫn đến một kết cục có lơi “win-win-win” cho tất cả mọi người”.

Điều đáng nói, ông da Silva biết tới chương trình EB-5 bởi chính ông cũng từng nhận tấm thẻ xanh vào Mỹ vào năm 2009 bằng cách đầu tư vào một dự án đang gặp rắc rối ở Vermont.

Với hình thức "đổi tiền lấy visa" này, câu lạc bộ đã thu hút được 30 nhà đầu tư với 15 triệu USD, chiếm 10% tổng chi phí của dự án.

Ông Rawlins, người sáng lập và chủ tịch CLB cho biết mỗi tháng có khoảng 5 triệu USD vốn cam kết mới được đảm bảo.

Ông Mark Abbott, Phó Ủy viên của liên đoàn bóng đá Mỹ cho biết liên đoàn đã xem xét đề xuất tài chính và cho rằng đây là một đề xuất sáng tạo.

Liên đoàn không cho phép sử dụng hình thức này để tài trợ cho các câu lạc bộ, nhưng các dự án thì phù hợp. Bên cạnh tiền góp vốn cho công ty điều hành sân vận động, các nhà đầu tư của dự án còn nhận được hai chỗ ngồi của cân lạc bộ trong 10 mùa giải.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, việc sử dụng chương trình EB-5 có thể phức tạp bởi vì địa điểm xây dựng cần phải ở khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao. Để đáp ứng tiêu chuẩn, đôi khi người ta có thể gian lận về đường ranh giới để có một khu vực gặp khó khăn về kinh tế (nhưng thực tế là một khu vực sản xuất công nghiệp).

Các nhà phát triển cũng phải chi tiêu hàng triệu đô la tiền để bắt đầu việc xây dựng bởi vì việc cấp phép, phê chuẩn cho mỗi visa theo chương trình EB-5 phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Đương đơn xin visa phải thông qua một lần kiểm tra cơ bản và chứng minh rằng dự án là khả thi và sẽ tạo ra ít nhất 10 việc làm cho mỗi visa được cấp. Visa này có thể trở thành thường trú có thể được cấp sau hai năm thử thách.

Một số cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên với những ai đang có ý định chi 500.000 USD vào một dự án bất động sản rằng họ nên chọn khách sạn, trung tâm thương mại hoặc bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh nào khác trừ sân vận động thể thao, bởi vì kết quả thi đấu của những người thuê sân vận động là không lường trước được.

Một thách thức nữa đến từ Capitol Hill, nơi các nhà lập pháp đang cố gắng bịt lỗ hổng cho phép tiền được chuyển từ các dự án trong các khu vực nghèo về những khu vực giàu có.

Một số dự án được tài trợ vốn từ chương trình EB-5 đã trở nên vô ích, tạo ra ít hoặc không tạo ra lợi ích kinh tế. Trong một số trường hợp khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã cáo buộc các nhà phát triển lãng phí tiền của họ và không phải trả tiền lợi nhuận như đã hứa.

Hiện nay, những người phản đối chương trình này đã không nhận được sự ủng hộ để chỉnh sửa hoặc loại bỏ chương trình này, bởi vậy các đội thể thao vẫn có thể  đi theo con đường mà Orlando City đã chọn.

Riêng tại Liên đoàn bóng đá Mỹ, một nhóm do David Beckham, cựu ngôi sao bóng đá người Anh đứng đầu đang cố gắng để hình thành một kế hoạch xây dựng một sân vận động ở Miami, và chủ sở hữu của các đội bóng ở New York, Los Angeles và Washington cũng đang thực hiện một quá trình tương tự .

500.000 USD cho chiếc thẻ xanh Mỹ, rót tiền vào đâu?

Bỏ ra 500.000 USD đầu tư vào một dự án bất động sản tại Mỹ là cách mà giới đại gia Trung Quốc và nhiều nước khác sử dụng để có thẻ xanh và cư trú hợp pháp tại quốc gia này.



Đoan Trang

Bạn có thể quan tâm