Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Bitcoin trong vòng nửa tháng nay đều dao động quanh mốc 20.000 USD. So với mức ATH lập hồi tháng 11/2021, đồng tiền số đã bốc hơi khoảng 70% giá trị và rơi về ngưỡng thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Vốn hóa thị trường mất 13 năm để leo lên đỉnh lịch sử, nhưng chỉ mất vỏn vẹn 8 tháng để giảm 3 lần. Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới, người dùng khó có thể tìm thấy danh mục nào có mức thiệt hại dưới 70%.
Với nhà đầu tư giữ nguyên niềm tin vào tương lai của tiền mã hóa, mức giá hiện tại được xem như cơ hội không thể bỏ lỡ. Song, với những F0 mới chập chững bước chân vào thị trường, cú lao dốc của Bitcoin đang biến thành cơn ác mộng.
Giá Bitcoin từng rơi xuống dưới 18.000 USD/đồng vào ngày 18/6. Ảnh: CoinMartketCap. |
Sợ bắt đáy
“Chừa rồi, giờ bảo bắt đáy cũng không dám. Tài khoản của tôi hiện chia 3 lần. Đó còn là nhẹ vì hầu hết danh mục dành cho Bitcoin, một số khoản đầu tư vào altcoin thậm chí giảm 80-90%”, Trung Hiếu, nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ.
Sau gần một năm tìm hiểu tiền mã hóa, Hiếu xây dựng thói quen trung bình giá (DCA) vào mỗi giai đoạn thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, trong đợt sụt giảm mới nhất của Bitcoin, nhà đầu tư này quyết định đứng ngoài cuộc chơi.
Theo ghi nhận của Zing, các F0 tại Việt Nam bắt đầu tỏ ra khá e dè khi nhắc đến câu chuyện bắt đáy. Giải thích tâm lý này, phần lớn người chơi tin rằng giá Bitcoin sẽ còn tiếp tục lao dốc, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến căng thẳng.
“Chốt lời luôn luôn đúng nhưng bắt đáy sai là cả thảm họa. Tiền mã hóa đang biến động rất bất thường. Việc rót tiền mua Bitcoin vì thấy giá hấp dẫn nhưng không xem xét những yếu tố liên quan giống đánh bạc hơn đầu tư”, Thanh Bình, một nhà đầu tư khác tại Hà Nội, cho biết.
Thị trường crypto chìm trong biển lửa vài tháng trở lại đây. Ảnh: Coin360. |
Kể từ đầu năm đến nay, Bình đã có 4 lần DCA Bitcoin và 2 lần mua Binance coin. Tuy nhiên, mỗi lần rót thêm tiền, giá tiền mã hóa lại xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ và dò đáy mới.
Chán nản vì thua lỗ, nhà đầu tư này đành rút hết coin/token từ sàn giao dịch về ví lưu trữ, xóa app và chọn cách xa lánh thị trường một thời gian để ổn định tâm lý.
Tương tự, Trung Hiếu gửi tiết kiệm hoặc khóa toàn bộ số coin/token thay vì chứng kiến giá trị tài khoản giảm mỗi ngày. “Tôi đầu tư crypto bằng tiền nhàn rỗi, không vay mượn bất cứ ai nhưng không vì thế mà không khỏi sốt ruột. Cũng muốn DCA thêm nhưng mọi thứ quá rủi ro, giờ cầm tiền mặt là hợp lý nhất”, anh nói.
Không giống giới đầu tư có kinh nghiệm, dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu thị trường, biết phân tích vĩ mô lẫn kỹ thuật, những người chơi như Hiếu và Bình thường dựa chủ yếu vào cảm tính. Do đó, tâm lý sẽ là nhân tố quan trọng quyết định hành vi đầu tư của người dùng.
Theo chỉ số đo lường Fear and Greed, sợ hãi cực độ đang trở thành tâm lý chung của thị trường và chưa hề thay đổi trong hai tháng qua.
Glassnode cũng cho biết cùng với những tổ chức khai thác, giới đầu tư Bitcoin dài hạn đang bắt đầu cảm thấy áp lực và đẩy mạnh bán tháo. Nguồn cung của các holder đã giảm khoảng 178.000 Bitcoin, tương đương 1,31% tổng lượng sở hữu.
Thị trường chưa tìm thấy đáy
Bitcoin đang trải qua một trong những quý tồi tệ nhất lịch sử với tổng thiệt hại lên tới 53,08%. Dữ liệu từ CoinGlass cho thấy đồng tiền số đã có 3 tháng liên tiếp tăng trưởng âm, lần lượt là 17,3%, 15,4% và 31,81%.
Bitcoin vẫn nằm ở vùng quá bán khi chỉ số đo lường sức mạnh RSI dao động dưới ngưỡng 30.
Đây là điều dễ hiểu khi bức tranh vĩ mô chưa xuất hiện bất cứ tín hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện. Ngoài sự ảnh hưởng từ quá trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giới đầu tư còn phải chứng kiến hàng loạt tin tức xấu cũng như sự sụp đổ của nhiều dự án nổi tiếng, điển hình như Terra.
Bitcoin đã trở thành tài sản rủi ro suốt năm qua. Câu chuyện của năm 2022 là làm sao để giảm mức độ rủi ro của chúng. Bitcoin sẽ tiếp tục chịu áp lực bán tháo cho đến thời điểm thị trường chứng khoán tạo đáy vững chắc
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn The Americas Oanda
Chia sẻ với Zing, ông Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn The Americas Oanda (trụ sở ở Mỹ) - cho rằng tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu đi kèm rủi ro liên quan đến tăng trưởng toàn cầu đã đưa tiền mã hóa vào xu hướng thoái trào.
Trong khi đó, Ian Harnett - đồng sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research - giá Bitcoin có thể giảm xuống ngưỡng 13.000 USD, tương đương thiệt hại 74% so với ATH.
Ông Harnett khẳng định tiền mã hóa không phải tiền tệ, hàng hóa hay kho lưu trữ giá trị. Do đó, thanh khoản sẽ là yếu tố quyết định xu hướng dòng tiền.
Đáng nói, sau thời gian tăng giá mạnh, Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục. Cách đây 4 năm, Bitcoin từng xảy ra trường hợp tương tự, giảm từ mốc 20.000 USD xuống còn 3.000 USD/đồng chỉ trong vài tháng.