Giá Bitcoin tăng mạnh hôm 5/10 (theo giờ Việt Nam), theo dữ liệu của CoinMarketCap. Giá tăng một mạch từ mức thấp trong ngày 47.000 USD/đồng lên vượt ngưỡng quan trọng 50.000 USD/đồng.
Tính đến 17h30, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh mức 50.200 USD/đồng, tăng 5,61% so với 24 giờ trước đó. Đà tăng đưa giá trị vốn hóa thị trường lên ngưỡng 945 tỷ USD. Thị phần của Bitcoin trên toàn bộ thị trường tiền mã hóa đạt 43,14%.
Như vậy, trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin đã tăng gần 20%. Đây là lần đầu Bitcoin trở lại mốc giá quan trọng 50.000 USD/đồng sau gần 1 tháng.
Hôm 5/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin lấy lại mốc quan trọng 50.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Cán mốc 50.000 USD/đồng
Trong khi đó, Ether chứng kiến mức tăng hơn 3% lên 3.439 USD/đồng. So với 7 ngày trước đó, giá Ether đã tăng 18,44%. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 vượt mốc 400 tỷ USD.
Giá Binance Coin - đồng tiền mã hóa lớn thứ 3 - chứng kiến mức tăng 5,05% lên 440 USD/đồng. So với một tuần trước đó, đồng tiền này đã tăng giá hơn 30%.
Các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa tăng 3,77% lên 2.200 tỷ USD.
"Giá Bitcoin tăng mạnh vào cuối tuần trước, phá vỡ ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng và nhanh chóng được tiếp thêm nhiệt lượng", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) trả lời Zing.
Ông Erlam nhận định ngưỡng 50.000 USD/đồng là phép thử lớn của Bitcoin. Theo ông, sau khi vượt mốc này, làn sóng lạc quan mới sẽ tràn ngập thị trường tiền mã hóa.
Giá Bitcoin tăng mạnh trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap. |
Theo chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở tại Singapore), giá Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số" - tăng mạnh khi đồng USD suy yếu. Theo ông, sự không chắc chắn của nền kinh tế đã đè nặng lên đồng bạc xanh.
Hôm 5/10, chỉ số USD-Index đã giảm 0,08 điểm so với một ngày trước đó xuống 93,88 điểm. Theo chuyên gia Halley, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ công bố vào cuối tuần. Báo cáo này có thể giúp dự báo về những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Khi đồng USD lao dốc, giới đầu tư có xu hướng đổ tiền vào những hàng rào chống lại rủi ro đồng tiền mất giá và kho lưu trữ giá trị như vàng và Bitcoin.
Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ), giá tiền mã hóa bật tăng khi khẩu vị rủi ro quay trở lại. Cùng với đó là những lo ngại quy định giảm bớt, các nhà đầu tư lạc quan về việc Mỹ tiến gần hơn đến quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin.
Đà tăng mạnh mẽ
Trên thực tế, đà tăng giá của Bitcoin đã bắt đầu trở lại sau những bình luận của ông Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và ông Jerome Powell - Chủ tịch FED.
Cụ thể, tại Hội nghị Tương lai Quản lý tài sản Bắc Mỹ, ông Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) - cho biết các ETF Bitcoin dựa trên hợp đồng tương lai có thể ra đời. Ông Gensler nhấn mạnh rằng đây là quan điểm cá nhân của ông chứ không đại diện cho SEC.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng quan tâm đến các công nghệ mới và tính ứng dụng thực tiễn của chúng đối với hệ thống tài chính.
Ông Gensler lần đầu thể hiện sự ủng hộ đối với các ETF Bitcoin tương lai vào tháng 8. Ông cho biết sẽ mở cửa cho những quỹ Bitcoin ra thị trường dưới một số điều kiện nhất định.
Việc SEC "bật đèn xanh" cho ETF Bitcoin và các quy định đối với thị trường tiền mã hóa sẽ giúp Bitcoin và những loại tiền khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo
- Chuyên gia tài chính Edward Moya
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 đề xuất ETF Bitcoin đến từ nhiều công ty, bao gồm những tên tuổi lớn như Vanark, Morgan Stanley... và đang chờ được xem xét.
Trong khi đó, khi được hỏi về các động thái cấm giao dịch tiền mã hóa của chính quyền Trung Quốc, ông Jerome Powell cho biết Washington sẽ không đưa ra những động thái tiêu cực như vậy.
Thay vào đó, ông cho biết chính quyền Mỹ sẽ sử dụng các quy định để điều tiết thị trường. Theo giới chuyên gia, việc áp dụng những quy định mới có thể giúp Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác tiến gần hơn với những tài sản tài chính chủ đạo.
"Chủ tịch FED đã giành được sự chú ý khi nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ không có kế hoạch cấm tiền mã hóa", chuyên gia Moya tại Oanda nhận xét.
"Nhưng một tin tức không kém phần quan trọng là Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) cho rằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương không thể thay thế tiền mã hóa", ông nói thêm.
Theo vị chuyên gia tại Oanda, việc SEC "bật đèn xanh" cho ETF Bitcoin và các quy định đối với thị trường tiền mã hóa sẽ giúp Bitcoin và những loại tiền khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo. Điều này có thể thu hút thêm nhiều tổ chức đầu tư và nhà đầu tư lẻ hơn nữa.