Trên sàn Coindesk, giá Bitcoin trong ngày giao dịch 5/1 (theo giờ Mỹ) tăng phi mã, lần đầu xuyên thủng ngưỡng 35.000 USD/đồng. Đà tăng giá dựng đứng giúp giá trị vốn hóa của đồng tiền này cán mốc 653,23 tỷ USD.
Kể từ khi xuyên thủng ngưỡng 20.000 USD hồi giữa tháng 12, giá Bitcoin lần lượt vượt các mốc 25.000 USD, 30.000 USD và áp sát ngưỡng 35.000 USD/đồng vào ngày 3/1. Trước khi chính thức đạt 35.000 USD/đồng hôm 5/1, đồng tiền này trải qua một ngày thách thức tâm lý nhà đầu tư với mức giảm gần 20%.
"Giá Bitcoin tăng phi mã với khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao kỷ lục", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) giải thích với Zing. Theo ông, trợ lực lớn nhất cho đà tăng giá của tiền mã hóa vẫn là đồng USD trượt giá.
Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, Bitcoin liên tiếp xuyên thủng các ngưỡng giá 25.000 USD, 30.000 USD rồi đến 35.000 USD. |
Những dự báo trên trời
"Không ít nhà đầu tư tổ chức tin rằng Bitcoin là loại tài sản có thể cách mạng hóa hệ thống tài chính. Thị trường sẽ biến động liên tục. Tuy nhiên, giá Bitcoin sẽ tăng giá về dài hạn", ông Moya bình luận.
Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin. Trong khi đó, hai công ty thanh toán Square và PayPal cũng cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác trên nền tảng của mình.
"Những dự đoán trên trời về triển vọng của đồng tiền này lại xuất hiện, từ 50.000 USD, 100.000 USD, 200.000 USD và mới đây là 146.000 USD của các chiến lược gia JPMorgan", ông nhắc đến dự báo mới của nhóm chuyên gia tại ngân hàng JPMorgan.
Theo nhóm chiến lược gia của JPMorgan - đứng đầu là chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou, giá trị vốn hóa của Bitcoin sẽ tăng 4,6 lần, tức mỗi đồng Bitcoin trị giá 146.000 USD, ngang ngửa với dòng vốn đầu tư tư nhân vào vàng (ở cả các quỹ ETF lẫn vàng thỏi).
Bitcoin tăng giá 13,2% so với một ngày trước đó lên hơn 35.000 USD/đồng. Ảnh: Coindesk. |
Nguyên nhân là dòng tiền đầu tư chuyển từ thị trường vàng sang tiền mã hóa. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ tốn thời gian. Phải đến khi biến động giá của Bitcoin tương tự biến động giá vàng, thị trường này mới có thể thu hút nhiều các nhà đầu tư tổ chức (quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm...).
"Sẽ mất nhiều thời gian để giá Bitcoin có biến động tương tự giá vàng. Chúng tôi cho rằng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm. Điều đó có nghĩa là mục tiêu giá 146.000 USD của Bitcoin là dài hạn", các chuyên gia JPMorgan giải thích thêm.
Rủi ro bong bóng
Tuy nhiên, JPMorgan cũng cảnh báo về yếu tố đầu cơ trong thị trường Bitcoin với sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng 'chứng cuồng đầu cơ' lan rộng và đẩy giá Bitcoin lên vùng 50.000-100.000 USD. Nhưng chúng tôi tin rằng mức tăng này sẽ không bền vững", hãng cảnh báo.
Đối với nhiều nhà đầu tư Phố Wall, hàng loạt kỷ lục giá mới của Bitcoin chỉ là dấu hiệu của sự dư thừa đầu cơ trên các thị trường tài chính. Giá bị thổi phồng phi lý có thể dẫn đến một bong bóng Bitcoin khổng lồ.
"Với hàng loạt biện pháp kích thích khổng lồ và niềm tin vào triển vọng hậu đại dịch, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang tận hưởng những điều kiện tài chính lỏng lẻo nhất từ trước đến nay", các chuyên gia của Bloomberg nhận định.
Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London), biến động giá Bitcoin trong những ngày qua phản ánh chính xác bản chất của đồng tiền này. "Sự hưng phấn của thị trường đưa giá Bitcoin lên ngưỡng 35.000 USD, chỉ vài tuần sau khi lần đầu đạt mức 20.000 USD", ông Erlam trả lời Zing.
Nhiều nhà đầu tư cảnh báo về bong bóng Bitcoin khi giá được thổi phồng một cách phi lý. Ảnh: Getty Images. |
"Đó là Bitcoin mà chúng ta biết. Chỉ trong vài ngày đầu năm 2021, giá Bitcoin leo dốc mạnh, đột ngột giảm gần 20% rồi lại thiết lập kỷ lục mới", ông nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley khẳng định đà tăng giá của Bitcoin hoàn toàn được thúc đẩy bởi nỗi sợ bỏ lỡ và phớt lờ những nguyên tắc cơ bản. Vị chuyên gia nhắc đến hiệu ứng FOMO (fear of missing out), tức các nhà đầu tư lo sợ bỏ lỡ cơ hội và quyết định ồ ạt đổ tiền vào thị trường tiền mã hóa.
"Không một giá trị cơ bản nào có thể khiến giá của một tài sản tăng 10-20% chỉ trong một ngày", ông nhấn mạnh.