"Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một năm 2021 tăng tốc. Muốn kiểm chứng? Hãy nhìn vào giá Bitcoin", nhà báo Julia Horowitz viết trên CNN. Chỉ mới vài tuần trước, Phố Wall kinh ngạc chứng kiến giá Bitcoin vượt ngưỡng 20.000 USD/đồng. Đến cuối tuần qua, giá đồng tiền mã hóa này đã đạt mốc 30.000 USD/đồng.
Tiền mã hóa vốn nổi tiếng với tính biến động mạnh. Nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng về một cú trượt dốc không phanh.
Trong phiên giao dịch ngày 3/1 (theo giờ New York), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk lao dốc một mạch từ 33.000 USD/đồng xuống còn 29.000 USD/đồng. Chỉ một ngày trước đó, hôm 2/1, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới thiết lập kỷ lục mới, áp sát ngưỡng 35.000 USD.
Bitcoin vốn nổi tiếng với tính biến động giá mạnh. Ảnh: Reuters. |
Cuộc săn lùng lợi nhuận
"Biến động giá Bitcoin trong những ngày qua phản ánh chính xác bản chất của đồng tiền này. Sự hưng phấn của thị trường đưa giá Bitcoin lên sát ngưỡng 35.000 USD, chỉ vài tuần sau khi lần đầu đạt mức 20.000 USD", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) trả lời Zing.
"Đó là Bitcoin mà chúng ta biết, leo dốc đột ngột rồi trượt dốc mạnh chỉ trong vài ngày đầu năm 2021. Dĩ nhiên, đối với một số tài sản khác, giảm gần 20% sẽ là một đợt điều chỉnh mạnh. Nhưng so với những gì từng xảy ra với thị trường tiền mã hóa, ngay cả mức giảm lớn gấp đôi cũng không khiến các nhà đầu cơ Bitcoin lo lắng", ông nói thêm.
Hiện, đồng Bitcoin trên sàn Coindesk được giao dịch quanh ngưỡng giá 31.300 USD/đồng, sụt giảm 6,37% so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mua vào Bitcoin hồi đầu năm 2021 vẫn lãi 11,56%.
Giá Bitcoin có thời điểm mất mốc 30.000 USD trong phiên giao dịch ngày 3/1. Ảnh: Coindesk. |
Sau khi thị trường Bitcoin kết thúc năm 2020 với mức tăng giá hơn 300%, ngày càng nhiều nhà đầu tư có cái nhìn khác về tiền mã hóa, nhất là khi giới đầu tư đang "săn lùng" lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất thấp.
Cuộc "săn lùng" lợi nhuận và cái nhìn lạc quan về tương lai nền kinh tế không chỉ tiếp nhiệt lượng cho đà tăng giá của Bitcoin. Rất nhiều thị trường tài sản khác cũng gia tăng bất chấp cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Một số chuyên gia nhận định cơn bão giá Bitcoin cho thấy rằng các thị trường tài chính đang dư thừa đầu cơ.
"Với hàng loạt biện pháp kích thích khổng lồ và niềm tin vào triển vọng hậu đại dịch, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang tận hưởng những điều kiện tài chính lỏng lẻo nhất từ trước đến nay", các chuyên gia của Bloomberg nhận định.
Thị trường hưng phấn
"Các chỉ số tâm lý đang chuyển sang trạng thái hưng phấn. Mọi người nhảy vào đầu tư vì lo sợ bỏ lỡ đà tăng", ông Cedric Ozazman, Giám đốc đầu tư tại Reyl & Cie (Geneva), bình luận.
Ngân hàng Deutsche cho biết có đến 28 trên tổng số 38 tài sản phi tiền tệ mà ngân hàng này theo dõi có lãi trong 12 tháng qua. Các nhà đầu tư tiếp tục mang nguồn năng lượng này sang năm 2021, bất chấp mối nguy từ dịch Covid-19 và những biến thể virus mới dễ lây lan hơn.
"Theo quan điểm của tôi về thị trường vốn ngắn hạn, chúng ta sẽ bước vào năm 2021 với một môi trường thị trường mạnh mẽ và giá gần như chưa từng có tiền lệ", CNN dẫn lời ông Aryeh Bourkoff, Giám đốc điều hành LionTree, bình luận.
Ông Bourkoff chỉ ra ba động lực có thể tiếp tục thúc đẩy các tài sản như cổ phiếu. Đó là tác động tích cực liên tục của những gói kích thích, việc phân phối vaccine chống Covid-19 và khả năng huy động vốn ngày càng dễ dàng của các công ty trên thị trường đại chúng.
Ngoài tiền mã hóa, giá vàng, bạc, dầu và nhiều tài sản khác cũng leo dốc. Đồng USD là ngoại lệ. Ảnh: Reuters. |
Nhìn chung, các xu hướng lớn trong năm 2020 dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2021. 2020 cũng là năm giá cổ phiếu và giá kim loại quý đạt mức cao kỷ lục.
Sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán ở châu Á, châu Âu và các hợp đồng tương lai của Mỹ đồng loạt tăng điểm. Giá vàng, bạc, dầu và đồng euro cũng leo dốc. Ngoại lệ duy nhất là đồng USD với áp lực lớn từ nguồn cung tiền tăng vọt.
"Chúng tôi hy vọng (và dự đoán) mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng con đường phục hồi sẽ không bằng phẳng. Nhiều người trong số chúng ta phải làm việc ở nhà, tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội và cố giữ an toàn cho những người thân yêu", chiến lược gia Kit Juckes của Societe Generale bình luận.
"Tuy nhiên, thị trường tài chính đã ở trong thế giới hậu đại dịch kể từ cuối tháng 3", ông nhận xét.