Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 7/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Nguyên nhân là những lo ngại về việc Mỹ thắt chặt các chính sách tiền tệ và bất ổn do biểu tình bạo lực tại Kazakhstan - trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới.
Cuộc biểu tình tại Kazakhstan đã khiến Internet tại nước này bị chặn. “Các nhà giao dịch tiền mã hóa bắt đầu bi quan. Họ cho rằng giá Bitcoin có thể khó giữ được mốc 40.000 USD/đồng”, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.
“Giá của đồng tiền này có thể giảm xuống ngưỡng 37.000 USD/đồng. Đến lúc đó, một số nhà đầu tư có thể tranh thủ ‘mua đáy’ và giúp giá Bitcoin bật tăng”, ông dự báo.
Giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Ảnh: Reuters. |
Lao dốc không phanh
Trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin có thời điểm rơi xuống mức 41.300 USD/đồng. Tính đến 21h ngày 7/1, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch ở mức 41.660 USD/đồng, giảm 3,35% so với 24 giờ trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 788 tỷ USD. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021, đồng tiền này đã sụt giá gần 40%.
Các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt sụt giá. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa lao dốc 4,11% so với một ngày trước đó xuống 1.970 tỷ USD, chính thức mất mốc 2.000 tỷ USD.
Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - sụt giảm gần 6% so với 24 giờ trước đó xuống 3.196 USD/đồng. Trong vòng một tuần qua, đồng tiền này đã giảm giá gần 16%. Trong nhóm 10 đồng tiền có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, Solana và Terra chứng kiến mức giảm mạnh nhất với lần lượt 6,52% và 7,23%.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới bắt đầu sụt giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu sẽ loại bỏ các biện pháp kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Thông tin đã kích hoạt một đợt bán tháo trên hàng loạt thị trường chứng khoán trên toàn cầu và tràn sang thị trường tiền mã hóa.
Tính đến 21h ngày 7/1, Bitcoin được giao dịch ở mức 41.660 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Những người ủng hộ Bitcoin đã coi đồng tiền mã hóa này là “vàng kỹ thuật số” và hưởng lợi trong bối cảnh biến động. Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Phố Wall Goldman Sachs cho rằng giá Bitcoin sẽ tăng gấp đôi lên hơn 100.000 USD/đồng trong vòng 5 năm tới.
Ông Zach Pandl - Trưởng bộ phận ngoại hối, tỷ giá và thị trường mới nổi toàn cầu của Goldman Sachs - lập luận rằng dòng vốn từ vàng sẽ chuyển sang Bitcoin. Giá vàng hiện chững lại ở mức 1.800 USD/ounce. Theo vị chuyên gia, Bitcoin hiện chiếm thị phần 20% trong số các tài sản được coi là “kho lưu trữ giá trị”. Theo lý thuyết, giá của chúng sẽ không giảm nhiều trong một khoảng thời gian dài.
Ông Pandl tin rằng thị phần của Bitcoin sẽ tăng lên 50%. Điều này giúp đồng tiền tăng giá khoảng 17-18% mỗi năm trong vòng 5 năm để đạt mức 100.000 USD/đồng. Nhưng giới quan sát nhận thấy sự tương đồng ngày càng gia tăng giữa biến động giá của Bitcoin và cổ phiếu.
"Tôi sở hữu vàng để phòng vệ ảnh hưởng của lạm phát, cũng như một tài sản 'trú ẩn' an toàn nhằm bù các khoản lỗ trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, vai trò của Bitcoin chỉ là đầu cơ", nhà đầu tư Edmund C. Moy cho biết.
Loạt thông tin tiêu cực
“Những thông tin về cuộc họp của Fed đã kích hoạt đà bán tháo đối với Bitcoin. Giá của đồng tiền rơi xuống dưới mức hỗ trợ trước đó là 45.500 USD/đồng”, chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nói với Zing.
Theo ông, mức hỗ trợ tiếp theo của Bitcoin là 40.000 USD/đồng. “Nếu rơi xuống dưới ngưỡng này, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh khác”, ông Erlam nhận định.
Giá Bitcoin cũng lao dốc mạnh sau khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan lệnh cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này cắt dịch vụ Internet.
Theo Trung tâm Tài chính thay thế Cambridge, tính đến thời điểm hiện tại, Kazakhstan chỉ đứng sau Mỹ về thị phần khai thác Bitcoin toàn cầu với 18,1% thị phần.
Sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin không liên quan trực tiếp tới giá Bitcoin. Nhưng nó đưa ra dấu hiệu về tính bảo mật của mạng lưới. Do đó, sự sụt giảm có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại
- Ông Marcus Sotiriou, nhà phân tích tại hãng môi giới tài sản kỹ thuật số GlobalBlock (có trụ sở tại Anh)
Nhiều thợ đào Bitcoin đã rời khỏi Trung Quốc để đến nước láng giềng Kazakhstan sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa.
Hồi đầu năm 2021, giá Bitcoin đã lao dốc mạnh từ ngưỡng kỷ lục sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đối với các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn có thể trở lại đà tăng và thiết lập kỷ lục mới gần 69.000 USD/đồng vào tháng 11/2021.
Ông Kevin Zhang thuộc công ty tiền mã hóa Foundry cho biết khoảng 15% người khai thác tiền tiền mã hóa ở Kazakhstan bị cắt Internet. Không có Internet đồng nghĩa với việc họ không thể "đào" tiền thuật toán.
“Sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin không liên quan trực tiếp tới giá Bitcoin. Nhưng nó đưa ra dấu hiệu về tính bảo mật của mạng lưới. Do đó, sự sụt giảm có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại”, ông Marcus Sotiriou - nhà phân tích tại hãng môi giới tài sản kỹ thuật số GlobalBlock (có trụ sở tại Anh) - bình luận.