Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 16/7 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã tăng từ mức thấp trong vòng 24 giờ 31.045 USD/đồng, lấy lại mốc 32.000 USD/đồng, tăng 0,23% so với một ngày trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đạt gần 600 tỷ USD.
Ngược lại với Bitcoin, các đồng tiền mã hóa khác vẫn chứng kiến giá sụt nhẹ. Đồng tiền mã hóa lớn thứ hai Ether giảm 0,72% so với một ngày trước đó xuống 1.912 USD/đồng. Trong khi đó, XRP và Cardano sụt giá lần lượt 0,11% và 1,89%.
Trả lời Zing, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích giá Bitcoin khôi phục phần nào sau báo cáo rằng Bank of America đã chấp nhận giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin cho một số khách hàng.
Giá Bitcoin bật tăng và lấy lại mốc 32.000 USD/đồng từ mức thấp trong ngày 31.045 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
Động thái của Bank of America
Cụ thể, Bank of America - ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ - đã chấp thuận giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin. Tương tự hầu hết tổ chức, Bank of America vẫn rất thận trọng đối với việc tiếp cận tiền mã hóa. Tuy nhiên, bởi số tiền ký quỹ lớn cần cho giao dịch hợp đồng tương lai, ngân hàng hiện cho phép một số khách hàng tiếp cận thị trường tiền mã hóa.
Hồi đầu tháng, một nguồn tin tiết lộ Bank of America đã tạo ra đội ngũ chuyên nghiên cứu về tiền mã hóa và những công nghệ liên quan. Hồi năm 2018, nhà băng có chính sách ngăn các cố vấn tài chính và khách hàng giao dịch những khoản đầu tư liên quan đến tiền mã hóa. Tuy nhiên, chính sách này sau đó được thay đổi.
"Đây là một cam kết lớn đối với nhà băng lớn thứ hai nước Mỹ. Nó cho thấy rằng mối quan tâm trong việc giao dịch tiền mã hóa vẫn còn", ông Moya tại hãng tư vấn Oanda bình luận.
Đây là một cam kết lớn đối với nhà băng lớn thứ hai nước Mỹ. Nó cho thấy rằng mối quan tâm trong việc giao dịch tiền mã hóa vẫn còn. Tại Phố Wall, chỉ cần một ngân hàng nhìn thấy cơ hội đối với một điều gì đó rủi ro, những nhà băng khác sẽ dễ dàng hành động theo
Edward Moya, chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda
"Tại Phố Wall, chỉ cần một ngân hàng nhìn thấy cơ hội đối với một điều gì đó rủi ro, những nhà băng khác sẽ dễ dàng hành động theo", ông nhận định.
Hồi tháng 3, Goldman Sachs đã xác nhận kế hoạch khởi động lại khu vực giao dịch tiền mã hóa sau 3 năm gián đoạn.
Đến tháng 5, ngân hàng đầu tư cũng bắt đầu mua và bán hợp đồng tương lai Bitcoin trong các giao dịch khối thông qua Chicago Mercantile Exchange Group và đối tác thương mại Cumberland DRW.
Theo vị chuyên gia tại Oanda, Bitcoin đã mắc kẹt trong vùng giá 30.000-40.000 USD/đồng nhiều tuần qua. Tuy nhiên, điều này vẫn được đánh giá tích cực là đợt điều chỉnh lành mạnh.
"Tôi vẫn tin rằng giá Bitcoin sẽ tăng về dài hạn, nhưng có lẽ cần thêm thời gian", ông Moya nhận định. "Giá Bitcoin có thể đạt 50.000 USD/đồng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ khó trở lại ngưỡng 65.000 USD/đồng cho đến nửa cuối năm 2022", vị chuyên gia dự báo.
Không còn là "vàng kỹ thuật số"
Trước đó, giá Bitcoin giảm mạnh sau báo cáo cho thấy lạm phát Mỹ ở mức kỷ lục trong vòng 13 năm. Tin tức tạo áp lực đè nặng lên các tài sản rủi ro như tiền mã hóa.
Hôm 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng trong 12 tháng cao nhất tính từ tháng 8/2008. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) cũng gia tăng tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Thông tin khiến các tài sản rủi ro đồng loạt sụt giá, trong khi giá vàng tăng nhẹ. Theo giới chuyên gia, Bitcoin - đồng tiền từng được coi là "vàng kỹ thuật số" - hiện không hoạt động như một hàng rào chống lại rủi ro lạm phát nữa.
Các nhà phân tích kỹ thuật của Bloomberg đã chỉ ra là hệ số tương quan trong vòng 60 ngày giữa giá Bitcoin và giá vàng giao ngay đã rơi xuống âm. Điều này chỉ xảy ra vài lần hồi năm 2018.
Giới chuyên gia nhận định Bitcoin không còn hoạt động như một hàng rào chống rủi ro nữa. Hệ số tương quan giữa Bitcoin và vàng đã rơi xuống âm. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, hệ số tương quan giảm đi có nghĩa là các nhà đầu tư có thể tận dụng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, đó cũng là dấu hiệu cho thấy Bitcoin không còn phù hợp với mệnh danh "vàng kỹ thuật số" mà nhiều người ủng hộ đồng tiền gán cho.
"Bitcoin không còn hoạt động như một hàng rào chống lạm phát. Nếu kỳ vọng về việc nâng lãi suất càng cao, giá Bitcoin càng chịu áp lực", ông Moya giải thích.
Cộng đồng tiền mã hóa cũng xôn xao về thông tin Apple mua hơn 2 tỷ USD Bitcoin. Tuy nhiên, việc thiếu xác thực khiến thị trường tiền mã hóa không thể bật tăng mạnh.